Là chủ nhân của sáng kiến trên, Giáo sư Kỹ thuật Klaus Lackner tại Đại học Bang Arizona (Mỹ) cho biết “cây máy” có thể hấp thụ khí ô nhiễm hiệu quả gấp hàng nghìn lần so với cây tự nhiên.
Chúng là những cột đĩa cao thẳng đứng. Mỗi chiếc đĩa rộng 1,5 mét và cách nhau 5 cm. Chúng được phủ lớp nhựa hóa học và xếp chồng lên nhau giống như một cột đĩa than.
Loại nhựa này có công dụng hút CO2 trong không khí. Và sau khoảng 20 phút hút đầy khí, chúng tự động rơi xuống một thùng chứa, nơi CO2 được phân tách và đưa vào một môi trường kín. Sau đó, chúng sẽ lại tiếp tục chu trình hấp thụ khí CO2 trong môi trường.
Hiện tại, mô hình này chỉ đơn thuần lưu trữ khí C02, chứ không chuyển hóa thành oxy giống như cây thật, hay tái sử dụng khí carbon vào các mục đích khác. Tuy nhiên, theo người phát minh, trong tương lai nguồn khí CO2 mà "cây máy" lưu trữ được có thể được tái sử dụng làm nhiên liệu tổng hợp như xăng, dầu diesel hoặc dầu hỏa.
Ông Lackner có kế hoạch xây dựng ba trang trại “cây máy” quy mô lớn, với dự án đầu tiên sẽ được triển khai ở Arizona vào cuối năm nay, nhờ khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu đô la Mỹ của Bộ Năng lượng. Chúng đang được thiết kế và chế tạo bởi Trung tâm ASU về Phát thải Carbon tiêu cực.
Khi cả ba “rừng cây” này hoạt động, chúng sẽ có khả năng hấp thụ 1.000 tấn CO2 mỗi ngày, hứa hẹn trở thành một bước quan trọng trong việc giảm thiểu khí phát thải trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta có thể dễ dàng lắp đặt "cây máy" tại bất cứ đâu cần thiết với độ bền lên đến hàng chục năm.
Hơn 200 năm qua, kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người đã tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch với số lượng lớn kỷ lục và thải khí carbon vào bầu khí quyển.
Đây là một loại khí nhà kính mạnh và đi vào bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ mà các nguồn tự nhiên - chẳng hạn như cây cối - có thể loại bỏ nó. Khi tích tụ trong bầu khí quyển, nó gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.