Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang nổi lên như một trung tâm thời trang mới của khu vực. |
Nơi khởi nguồn của xu hướng
Theo công ty nghiên cứu thị trường Bain & Company, châu Á - với đà phát triển kinh tế thần tốc - hiện đang là thị trường chủ lực định hướng ngành công nghiệp xa xỉ phẩm toàn cầu. Đáng chú ý là nguồn thu từ các khách hàng Trung Quốc hiện chiếm tới 1/3 tổng doanh số bán hàng xa xỉ phẩm trên toàn thế giới. Và điều đáng nói là phong cách thời trang của đa số những khách hàng này đang bắt nguồn từ Hàn Quốc, đất nước được Bain & Company đánh giá là nơi đang tạo ra xu hướng và có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành thời trang và xa xỉ phẩm. Đó cũng chính là lý do tại sao ngày càng nhiều tên tuổi lớn trong làng thời trang thế giới chú ý hơn tới "xứ sở kim chi".
Trong năm vừa qua, các hãng thời trang danh tiếng hàng đầu thế giới đồng loạt mở rộng "sân chơi" tại Hàn Quốc nhằm tiếp cận "hầu bao" của các khách hàng châu Á giàu có, hiện đang chạy theo phong cách thời trang của những ngôi sao giải trí xứ Hàn. Tháng 5/2015, "ông lớn" Chanel của Pháp đã có buổi trình diễn đầu tiên giới thiệu sản phẩm của thương hiệu này tại Hàn Quốc. Tháng Sáu vừa qua, một "đại gia" khác trong làng thời trang cao cấp thế giới là Christian Dior cũng đã mở một cửa hàng lớn nhất châu Á ở quận "thượng lưu" Gangnam. Tập đoàn xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới LVHM cũng vừa thực hiện bước tiến xa hơn trong việc thâm nhập thị trường Hàn Quốc bằng việc đầu tư trực tiếp vào ngành công nghiệp giải trí của nước này.
Lie Sang Bong, người đứng đầu Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hàn Quốc cho biết các hãng xa xỉ phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu nhận ra rằng, bất cứ gì phổ biến tại Hàn Quốc cũng sẽ sớm trở thành xu hướng trên toàn châu Á. Lie nhận định rằng hiện Hàn Quốc mới chính là nơi châu Á hướng tới để tìm kiếm xu hướng thời trang mới nhất.
Sự càn quét của “làn sóng Hàn Quốc”
Các thương hiệu thời trang quốc tế thực sự quan tâm tới cái gọi là Hallyu (hay làn sóng Hàn Quốc), đang ngày càng lan rộng tới toàn khu vực thông qua phim ảnh, các chương trình truyền hình thực tế và ca nhạc của Hàn Quốc. Minh chứng mới nhất của điều này được thể hiện qua bộ phim truyền hình “Vì sao đưa anh tới”, được phát hành năm 2014, đã có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tại Trung Quốc. Đôi giày Jimmy Choo hay thỏi son Yves Saint Laurent, do nhân vật nữ chính Jun Ji-Hyun sử dụng được bán cực chạy ở Trung Quốc. Trong lĩnh vực âm nhạc, rapper nổi tiếng Hàn Quốc G-Dragon cũng được đánh giá là người tạo lập xu hướng thời trang tại châu Á. Những món đồ mà anh yêu thích, từ chiếc áo khoác của Yves Saint Laurent cho tới đôi giày đế mềm của Christian Louboutin đều trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mọi diễn đàn và được hàng triệu tín đồ thời trang tìm kiếm. Chàng ca sĩ 27 tuổi này luôn là khách mời VIP trên hàng ghế đầu tại các buổi trình diễn thời trang lớn không chỉ ở châu Á, mà cả các kinh đô thời trang hoa lệ như Paris, London.
Xu hướng "ăn theo" của ngành mỹ phẩm
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, truyền hình giải trí Hàn Quốc cũng là một công cụ quảng bá "sắc bén" cho các thương hiệu mỹ phẩm.
Các loại mỹ phẩm xuất hiện trong các show truyền hình ăn khách hoặc được các ngôi sao xứ Hàn sử dụng đều bán rất chạy tại các nước châu Á khác, đặc biệt là tại Trung Quốc. Kate Ahn, người đại diện tại Seoul của công ty nghiên cứu tiêu dùng Stylus (Anh) nhấn mạnh rằng Hàn Quốc thực sự là điểm khởi đầu để các thương hiệu cao cấp quốc tế đánh giá tâm lý khách hàng tại châu Á. Cô nói: “Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ nhưng lại là điểm khởi đầu hoàn hảo để các thương hiệu tiếp cận Trung Quốc và các thị trường khác”. Ahn cho biết, nhiều thương hiệu nổi tiếng sẵn sàng đầu tư cho các hãng mỹ phẩm nhỏ chưa mấy tên tuổi của Hàn Quốc bởi đơn giản: “Rất nhiều phụ nữ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang dõi theo các xu hướng làm đẹp tại Seoul”.