Lễ hội Diwali (Ánh sáng) ở Ấn Độ là một sự kiện vô cùng quan trọng với cộng đồng theo đạo Hindu. |
Chiều 22/10 hôm đó, lòng tôi bồi hồi khi nghe tiếng trống nổi lên giục giã ở mọi góc phố của thủ đô New Delhi, bởi tiếng trống báo hiệu Tết Diwali đang đến gần. Tại các công viên lớn của thành phố, những hình nộm quỷ giữ Ravana, làm bằng khung tre, bọc giấy màu sặc sỡ, vẽ phẩm màu trông dữ dằn, cao từ 15-20 mét, được dựng lên, chuẩn bị cho cuộc chiến. Những thanh niên trai tráng trong trang phục cổ xưa, tay lăm lăm cung tên nhảy múa, diễn lại tích thần Rama của người Hindu chiến thắng quỷ dữ Ravana, trước sự chứng kiến của người dân địa phương và quan khách.
Chuyện kể rằng, xưa kia thần Ram dũng mãnh chiến thắng nhiều đối thủ để cưới nàng Sita xinh đẹp, song quỷ Ravan say đắm sắc đẹp của Sita nên đã cướp mất nàng. Ram cùng với em trai Luxman và khỉ Hanuman quyết tâm lên đường cứu Sita.
Trong cuộc chiến cam go, thần Ram khó tiêu diệt được quỷ Ravan bởi mỗi khi Ram chặt phăng đầu quỷ, ngay lập tức 10 cái đầu khác lại mọc lên. Tuy nhiên, Ram được em trai quỷ Ravan chỉ điểm yếu của anh mình chính là cái rốn, nếu đâm trúng rốn, quỷ Ravan sẽ bị tiêu diệt.
Nhờ đó, Ram đã giết được Ravan và mượn thần lửa thiêu hủy xác con quỷ hung ác. Từ đó, hàng năm, người theo đạo Hindu ở các nước Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, tổ chức lễ “đốt quỷ” để tượng trưng cho cái thiện chiến thắng cái ác. Những mũi tên được bọc mồi lửa lao vun vút vào vùng ngực và rốn của “quỷ dữ”, khiến chúng cháy bùng lên dữ dội và đổ sập xuống trong tiếng pháo nổ ran và tiếng reo hò phấn kích của người dân trong vùng.
Lễ Dussehra diễn ra trên toàn Ấn Độ. Vào ngày này, tất cả các cơ quan, trường học được nghỉ, các cửa hiệu đều đóng cửa, chỉ có bệnh viện, hệ thống siêu thị, hệ thống giao thông công cộng và những người thi hành công vụ trong phiên trực làm việc bình thường. Nhiều gia đình theo đạo Hindu còn tổ chức lễ cầu nguyện đặc biệt, dâng phẩm vật tế Thần ở nhà hoặc tại các đền đài.
Sau lễ Dussehra, người dân Ấn Độ tất bật chuẩn bị đón Tết Diwali (hay còn gọi là lễ hội Ánh sáng), mà theo truyền thuyết là để đón chào thần Rama trở về quê hương sau 14 năm bị lưu đày.
Tết Diwali xưa kia chỉ dành cho người theo đạo Hindu, nhưng ngày nay sự kiện này đã trở thành lễ hội lớn, là nét văn hóa đặc sắc nhất tại Ấn Độ, với sự tham gia của nhiều đạo giáo, kể cả đạo Phật, đạo Sik và đạo Jain. Lễ hội kéo dài 5 ngày, song đêm được phép bắn pháo hoa không hạn chế và đốt nến là 30/9 âm lịch – hôm được coi là tối nhất trong năm.
Do được ấn định vào ngày 30/9 âm lịch nên Diwali hàng năm khác nhau theo dương lịch. Chẳng hạn năm 2014, Diwali diễn ra vào ngày 23/10, năm nay vào ngày 11/11 và sang năm sẽ vào ngày 30/10. Hình thức tổ chức Tết Diwali tại các bang của Ấn Độ có thể hơi khác nhau, nhưng điểm nổi bật nhất trong lễ hội là pháo hoa và ánh sáng.
Diwali chủ yếu chỉ diễn ra trong một ngày, song người dân Ấn Độ mất cả tháng để chuẩn bị. Xung quanh tường nhà, lan can, cổng chính, vườn cây, chậu cây cảnh, thậm chí cả những cây cao hai bên đường trong khu dân cư… đều trang trí những chùm đèn nhiều màu sắc để bầu trời đêm rực lên trong ánh sang lung linh huyền ảo; những gốc cây to trong khu dân cư cũng được sơn màu trắng để tạo thêm ánh sáng cho Diwali.
Ngoài những nhu cầu về đồ trang trí nhà cửa như nội thất mới, cây cảnh, đèn màu, những chuỗi dây xúc xích kết hoa bằng giấy hoặc bằng nhựa, còn có hai thứ không thể thiếu trong ngày hội Diwali là nến và pháo hoa.
Theo quan niệm truyền thống, vào đêm Diwali, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng và để như vậy suốt đêm nhằm đón nữ Thần Laskhmi - vị thần tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, may mắn và là hiện thân của cái đẹp.
Nhưng ngày nay, ngoài nến, phần lớn các gia đình đều dùng những chuỗi dây đèn màu nhấp nháy bằng điện treo khắp xung quanh nhà để thay thế những chiếc đèn dầu bằng đất sét. Còn việc bắn pháo hoa được quan niệm để xua đuổi linh hồn của quỷ và đón chào Thần Ram trở về sau nhiều năm bị lưu đày.
Vào đêm Diwali, cả Delhi bừng lên trong ánh sáng của đèn và pháo hoa. Hơn ba năm công tác nhiệm kỳ tại Ấn Độ, Diwali đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi và cộng đồng người Việt ở đây. Chúng tôi cũng tất bật trang trí, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm tặng phẩm để biếu các đối tác, tổ chức liên hoan và tận hưởng nét văn hóa nơi đây.
Đối với chúng tôi, Diwali giống như Tết nguyên đán ở Việt Nam, rất thân thương và ấm áp. Những bức ảnh khu phố tôi từng ở bừng lên trong Ánh sáng, được đồng nghiệp gửi về, khiến tôi chông chênh nỗi nhớ. Những cuộc tụ họp bạn bè của cộng đồng người Việt tại Delhi, những người chúc “happy Diwali” đặc giọng Ấn như vẫn âm vang đâu đó.
Nhớ Diwali, nhớ lắm New Delhi – mảnh đất tôi đã gắn bó tổng cộng hơn 7 năm học tập và công tác, nơi tôi đã chứng kiến những tình cảm Ấn-Việt trong sáng và thủy chung không thể lý giải. Nhân dịp Diwali, xin gửi lời chúc “Happy Diwali” tới người dân Ấn Độ, tới tất cả những người bạn Ấn Độ và Việt Nam của tôi nơi đất nước “Sông Hằng” đang ngày đêm miệt vài góp sức vun đắp mối quan hệ hữu nghị keo sơn Ấn-Việt.