Thăm một thị trấn vì người nghèo ở Medellin

Ở đâu cũng có người nghèo và Medellin, thành phố lớn thứ hai của Colombia nổi tiếng một thời bởi sự bất công xã hội, sự hoành hành của mafia và sự xung đột vũ trang, không phải là một ngoại lệ. Nhưng trong những năm qua, thành phố có 2,4 triệu dân này lại được cả thế giới biết đến là tấm gương về giảm bất công xã hội và quy hoạch đô thị.

Cầu thang cuốn.


Không phải ngẫu nhiên mà năm 2012, Medellin được bình chọn là “Thành phố sáng tạo nhất thế giới” và năm 2014 được chọn làm trụ sở cho Diễn đàn Thế giới về xây dựng nhà ở xã hội. Đến thăm thị trấn 13 của Medellin, hang ổ trước đây của trùm buôn lậu ma túy khét tiếng Pablo Escobar và là nơi sinh sống của 120.000 dân, chủ yếu là người nghèo, không nhà không cửa, phiêu bạt về đây kiếm sống, các thành viên trong đoàn nghiên cứu về quy hoạch đô thị của Bộ Xây dựng Việt Nam đã không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt các công trình phúc lợi được chính quyền địa phương dựng lên trong thập kỷ qua, nhằm phục vụ “những người khốn khổ”.

Sơ đồ một UVA.


Từ cáp treo đến những cầu thang cuốn công cộng

Điều đầu tiên gây bất ngờ lớn đối với chúng tôi là chính quyền của thành phố Medellin và thị trấn 13 đã xây dựng hẳn một hệ thống cáp treo, không phải dành cho dịch vụ du lịch, mà là một phương tiện giao thông công cộng, dành cho những người sống ở các triền núi cao. Do phần lớn các ngôi nhà của dân nghèo ở khu vực này được xây dựng ở lưng chừng và đỉnh núi, nên việc đi lại bằng đường bộ cực kỳ khó khăn, trèo leo vất vả.

Cáp treo là một phương tiện giao thông công cộng.


Để giải quyết vấn đề đi lại, chính quyền địa phương đã làm hẳn một đường cáp treo dài trên 3 km, xây 6 bãi đỗ làm nhà ga, để dân chúng tập trung đi lại lên, xuống núi. Sáu ca-bin của hệ thống cáp treo hoạt động suốt ngày đêm, với giá vé bằng vé xe buýt ở dưới mặt đất. Tất nhiên là có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chị Alejandra, nhân viên của Văn phòng Tổng thống về hợp tác quốc tế, người đi theo đoàn trong suốt chuyến thăm, cho biết những người được hưởng lợi nhiều nhất từ phương tiện giao thông công cộng độc đáo này không chỉ là những người sống dọc theo các triền núi, mà chủ yếu là những người nghèo khổ nhất, được nhận nhà ở xã hội, xây trên một khu đất nằm gần đỉnh núi.

Một góc thành phố Medellin.


Những căn hộ dành cho người thu nhập thấp mà chúng tôi tới thăm, tuy đơn sơ và có diện tích chỉ chừng 35- 40 m2, nhưng chắc chắn và tiện lợi. Phần lớn những người được nhận nhà cho không, hoặc được hỗ trợ một phần, đều là dân từng sống vật vờ ở các bãi rác của thị trấn 13. Cho đến thời điểm này, đã có trên 600 căn hộ xã hội được trao cho người nghèo, trong kế hoạch 1000 căn hộ sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nhờ hệ thống cáp treo này mà những cư dân trên núi cao không còn bị cô lập với thế giới bên ngoài, đặc biệt là người già và trẻ em.

Chưa hết, cũng tại thị trấn 13, chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy một công trình giao thông công cộng độc đáo khác là những chiếc cầu thang cuốn. Thông thường, ở các nước, cầu thang cuốn hay được sử dụng ở những siêu thị hoặc đường lên xuống của các Metro (tàu điện ngầm) nhưng ở đây, nó được lắp đặt cũng nhằm phục vụ đi lại cho người dân ở vùng núi. Như trên đã nói, do phần lớn người dân địa phương xây nhà ở lưng chừng núi, việc đi lại, chuyên chở hàng hóa, cứu thương, hiếu hỉ trước đây vô cùng vất vả.

Một góc nhìn của thị trấn 13.


Chính quyền thị trấn 13 đã có sáng kiến lắp đặt một hệ thống thang cuốn gồm sáu đoạn, mỗi đoạn cách nhau vài chục mét, được nối bằng đường bê tông bằng phẳng, kéo từ trên lưng chừng núi xuống chân núi, song song với đường kiểu cầu thang đi bộ trước đây, phòng khi mất điện. Nhờ hệ thống giao thông công cộng độc đáo có mái che và miễn phí hoàn toàn này, người dân đã có thể lên, xuống núi một cách dễ dàng. Bà Ada, một bà mẹ có tới 5 con, đã nói với người viết bài này một cách chắc nịch: "Ai chưa thăm hệ thống cầu thang cuốn ở phường 13, thì coi như chưa biết Medellin là gì". Chỉ cần nói tới con số 125 km đường mà thành phố Medellin và chính quyền phường 13 đã xây dựng để kết nối các phương tiện giao thông: xe buýt, tàu điện nổi, cáp treo và đường đi bộ, đủ thấy nỗ lực giảm nghèo ở đây lớn như thế nào.

UVA - Đơn vị Cuộc sống Hài hòa

Đi thăm các điểm dân cư miền núi khác ở quận San Javier, nơi có thị trấn 13, chúng tôi còn được chứng kiến một sáng kiến đô thị hấp dẫn khác, đó là những ngôi nhà mà chính quyền địa phương đặt cho một cái tên bóng bẩy, đó là Đơn vị Cuộc sống Hài hòa (Unidad de Vida Articulada, viết tắt là UVA) Trong buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phan Thị Mỹ Linh, Phó Thị trưởng thành phố Medellin cho biết thực ra có thể coi những UVA này là những CLB cộng đồng hoặc Trung tâm Văn hóa-Thể thao của từng khu phố, phường, xã. Các UVA ở đây thường được xây dựng quanh những bồn chứa nước của mỗi khu phố. Vì thị trấn 13 phần lớn nằm ờ vùng núi cao, các bồn chứa nước lớn là một điểm nhấn đô thị quan trọng.

Medellin nhìn từ trên cao.


Trước đây, nơi này thường là nơi tụ tập của các băng đảng xã hội đen, chẳng mấy ai dám tới. Nhưng trong những năm gần đây, nơi này lại trở thành một điểm sinh hoạt cộng đồng tấp nập, nhờ sự xuất hiện của các UVA. Mỗi một UVA khi xây dựng đều phải bám sát các tiêu chí: gió, hoa, nước, ánh sáng, âm thanh và quang cảnh núi non. Mỗi một UVA do đó đẹp như một công trình kiến trúc độc đáo, vì nó đánh thức tất cả các giác quan của con người. Đây là nơi họp hành, biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí, tập thể dục, thể thao, đọc sách, triển lãm nghệ thuật của người dân địa phương. Riêng thị trấn 13 có tới 20 Trung tâm cộng đồng như thế này, tất cả đều nằm trong một khu vực đầy cây xanh, bóng mát, gió và hoa thơm, cỏ lạ.

Có thể viết rất nhiều về Medellin, Thành phố sáng tạo nhất thế giới (năm 2012), nhưng cái đọng lại sâu lắng nhất trong chuyến thăm ngắn ngủi chưa đầy ba ngày ở đây, với người viết bài báo này, vẫn là các công trình công cộng, các ngôi nhà xã hội, các cáp treo, cầu thang cuốn và Trung tâm đời sống cộng đồng, chủ yếu dành cho những người nghèo.


Kha Lưu














Những đứa trẻ di cư nhỏ bé đơn độc
Những đứa trẻ di cư nhỏ bé đơn độc

Trong gần 3 tháng trời, những đứa trẻ liên tục phải chịu đói, và thậm chí bị đánh vì cố gắng đứng dậy hay duỗi chân trong khoảng không gian chật hẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN