Ngày 9/7, tại Hội nghị quốc tế về các rặng san hô thế giới tổ chức ở thành phố Cairn, tiểu bang Queensland, Australia (Ôxtrâylia), hơn 2.500 nhà khoa học đã ủng hộ thúc đẩy hành động toàn cầu nhằm bảo vệ các rặng san hô còn tồn tại trên khắp hành tinh.
Một đoạn rặng san hô Great Barrier Reef ở Australia. Ảnh: Internet |
Nhấn mạnh tới hiện trạng các rặng san hô trên thế giới hiện nay, theo đó khoảng 25% các rặng san hô trên thế giới đã bị suy biến do ô nhiễm và hoạt động đánh bắt hải sản tới cạn kiệt, giới khoa học kêu gọi tăng cường các biện pháp cần thiết để bảo tồn các rặng san hô. Hội nghị cảnh báo, thay đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rặng san hô, làm tăng quá trình axít hóa đại dương, khiến nước biển ấm dần lên và mực nước biển ngày càng dâng cao.
Các nhà khoa học kêu gọi giới lãnh đạo chính trị cần đưa ra những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn quá trình tiêu cực này. Tuyên bố của hội nghị viết: “Cộng đồng các nhà khoa học về rặng san hô quốc tế kêu gọi các chính phủ đảm bảo tương lai cho các rặng san hô thông qua hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải cácbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác”.
Theo các nhà khoa học, mặc dù Australia dẫn đầu thế giới trong hoạt động quản lý môi trường song rặng san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef của nước này vẫn đang bị suy thoái nghiêm trọng, trở thành một ví dụ điển hình cần bảo vệ khẩn cấp. Gần đây, Tổ chức Giáo dục Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá rằng, Great Barrier Reef bị hủy hoại nhiều do bùng nổ phát triển hạ tầng cơ sở bến cảng, kinh doanh khí hóa lỏng tại khu vực bờ biển cùng với thời tiết khắc nghiệt và môi trường biển bị ô nhiễm.
Võ Giang