Thời sở hữu những chiếc limousines sang trọng, những căn hộ đắt tiền,những chiếc máy bay riêng đã đi vào quá khứ. Giờ đây, nơi để các tỉ phú thể hiện sự giàu có chính là những chiếc siêu du thuyền.
Bến du thuyền số 15 ở Xinhgapo. Ảnh: Internet |
Đối với những tỉ phú mới nổi ở châu Á, một chiếc siêu du thuyền là biểu tượng “tối thượng” của sự giàu có. “Tôi rất thích có một chiếc du thuyền. Nó giống như một ngôi nhà có thể di chuyển và tôi có thể ngắm nhìn quang cảnh khác nhau mỗi ngày”, tỷ phú Xinhgapo Arthur Tay, người đi tiên phong trong phong trào sắm du thuyền ở đảo quốc sư tử này, cho hãng AFP biết.
Tay sở hữu Hye Seas II, một con tàu tráng lệ dài 35,5 mét và khác biệt hẳn so với những con tàu trong câu lạc bộ du thuyền do chính ông ta lập ra. Hye Seas II có một quầy bar đầy đủ các đồ uống, những chiếc tivi màn hình phẳng và những chiếc sôpha sang trọng hướng ra biển cả rộng lớn. “Tôi cảm thấy thoải mái khi ngồi trên tàu, ở đó có thể loại bỏ tất cả những tiếng ồn ã nơi đô thị”, Tay cho biết.
Tay từ chối cho biết giá của chiếc du thuyền này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia am hiểu về tàu thuyền, chiếc tàu này ước tính có giá lên tới 12 triệu USD.
Tay, Chủ tịch công ty SUTL chuyên cung cấp các thiết bị và sản phẩm thời trang, cho biết, thường mỗi tháng 3 lần ông lướt du thuyền ra khơi cùng với gia đình và bạn bè tới các các khu du lịch nổi tiếng như Phuket (Thái Lan) và Bali (Inđônêxia).
Bến du thuyền tại cảng Kota Kinabalu của Malaixia. Ảnh: Internet |
Giám đốc điều hành Hiệp hội Siêu du thuyền Xinhgapo (SSA) Jean - Jacques Lavigne, cho biết châu Á hiện có khoảng 216 chiếc du thuyền tư nhân hạng cực sang, hay còn gọi siêu du thuyền. Theo định nghĩa của ông Lavigne, một chiếc du thuyền có chiều dài hơn 24 m sẽ được gọi là siêu du thuyền.
“Có hai yếu tố góp phần cho sự tăng trưởng nhanh chóng này. Thứ nhất, tài sản của giới giàu có ở châu Á đã tăng lên gấp bội trong thời gian qua. Thứ hai là việc đầu tư mạnh mẽ vào bến đỗ du thuyền”, ông Lavigne cho hãng AFP biết. Xinhgapo và một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Inđônêxia đang lên kế hoạch xây dựng nhiều bến đỗ du thuyền.
Tạp chí danh tiếng Forbes (Mỹ) tháng 3 vừa qua đã bình chọn châu Á là khu vực có số tỉ phú nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, lần đầu tiên vượt qua châu Âu. Số người châu Á sở hữu tài sản từ 1 tỉ USD trở lên đã tăng lên 331 người trong năm 2011 so với con số 234 của năm trước, đứng đầu là Trung Quốc khi tăng từ 69 lên 111 người.
Mặc dù ngành công nghiệp du thuyền ở châu Á vẫn còn khiêm tốn so với thế giới, song nhà kinh tế học người Mỹ chuyên theo dõi lĩnh vực tiêu dùng sang trọng ở châu Á, Jonathan Galaviz, cho biết, tổng giá trị ngành công nghiệp siêu du thuyền ở châu Á hiện nay ước đạt 5 tỉ USD, bao gồm tiền mua du thuyền, chi phí bảo dưỡng và tiền thuê thủy thủ đoàn. Theo SSA, tổng cộng đã có 81 siêu du thuyền cập bến Xinhgapo trong năm 2010, trong khi đó con số này của năm 2006 chỉ là 16 chiếc.
Ông Galaviz cho biết: “Sẽ là không quá khi nói rằng ngành công nghiệp này sẽ tăng trưởng gấp đôi trong 5 năm tới. Khi kinh tế châu Á tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, sẽ có sự tăng vọt về việc mua sắm những thứ cực kỳ xa xỉ như những chiếc siêu du thuyền chẳng hạn”.
Lê Hải (theo AFP)