Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tỉnh Hải Nam đang thúc đẩy trợ cấp cho việc điều trị giảm đau khi sinh nở – dịch vụ thường có ít phụ nữ lựa chọn sử dụng khi chuyển dạ vì chi phí cao. Đây là một trong nhiều chính sách thử nghiệm mà giới chức nước này đang thực hiện để đảo ngược tỷ lệ sinh suy giảm rõ rệt.
Động thái trên được công bố theo một phần của kế hoạch rộng hơn, là cách tiếp cận để thực hiện chiến lược xây dựng “xã hội thân thiện với sinh đẻ” của Trung Quốc.
Bài viết trên tờ People’s Daily cũng kêu gọi giới chức giảm bớt gánh nặng cho những người có khả năng làm cha mẹ.
“Giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục để nhiều người sẵn sàng sinh con hơn”, bài báo viết, đồng thời kêu gọi giới chức triển khai các chính sách sát sao hơn ở cấp địa phương. “Duy trì mức sinh hợp lý và cơ cấu dân số cân bằng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững cũng như sự ổn định lâu dài”, bài báo nhấn mạnh.
Theo truyền thống, nhiều phụ nữ thường không lựa chọn điều trị giảm đau trong quá trình sinh con tự nhiện vì lo ngại về tác dụng phụ. Nếu sử dụng dịch vụ này, toàn bộ chi phí thường do bệnh nhân chi trả.
Tại một sự kiện diễn ra vào Ngày Toàn cầu Chống lại Đau đớn năm 2022, bác sĩ gây mê Mi Weidong cho biết chưa đến 1/3 phụ nữ Trung Quốc được cung cấp dịch vụ giảm đau khi sinh con vào năm đó. Bác sĩ Mi đã dẫn đầu một nhóm do Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này chỉ định nghiên cứu về việc giảm đau khi sinh con.
Để hỗ trợ các bậc cha mẹ mới, chính quyền Hải Nam cũng cho biết sẽ đưa các công nghệ hỗ trợ sinh sản vào hệ thống bảo hiểm y tế nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn hoàn trả cho các lần kiểm tra trước khi sinh và ưu tiên các gia đình nhiều con trong các chính sách nhà ở.
Sáng kiến này phù hợp với chủ trương được ban hành hồi tháng 10 ở Trung Quốc. Trong đó, chủ trương nêu rõ chính quyền các địa phương nên “chịu trách nhiệm trực tiếp” trong việc khuyến khích người dân sinh con.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài của tình trạng dân số suy giảm đối với nền kinh tế của đất nước.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm xuống còn 6,39/1.000 người vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1949. Số trẻ sơ sinh đã giảm xuống còn 9,02 triệu, ít hơn một nửa so với con số năm 2016 và đánh dấu năm thứ 7 suy giảm liên tiếp.
“Mô tả tình hình nhân khẩu học hiện tại là 'sự sụp đổ trong tỷ lệ sinh' cũng không phải nói quá”, các nhà nhân khẩu học từ Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa viết trong Báo cáo chi phí sinh sản tại Trung Quốc năm 2024.
Ông Liang Jianzhang, đồng tác giả báo cáo, lập luận tỷ lệ sinh thấp một phần do chi phí nuôi dạy con cái cao. Nghiên cứu của ông ước tính chi phí trung bình nuôi một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi tốt nghiệp đại học là 0.000 nhân dân tệ (khoảng 2,3 tỷ đồng).
Theo báo cáo của viện, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 5.000 nhân dân tệ (1,8 tỷ đồng) - gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người của nước này. Để so sánh, con số này là 4,26 ở Nhật Bản, 4,11 ở Mỹ và 2,24 ở Pháp.
Các nhà nghiên cứu lưu ý việc sinh con cũng có thể tác động tiêu cực đến thu nhập của phụ nữ, trích dẫn dữ liệu cho thấy một đứa trẻ có thể làm giảm tiền lương của một phụ nữ Trung Quốc từ 12% đến 17%.