Ngày 14/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt trẻ em ở Trung Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau thông báo hồi cuối tuần qua về việc WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang thực hiện chiến dịch phối hợp qui mô lớn nhằm tiêm chủng ngừa bại liệt cho khoảng 22 triệu trẻ em ở Syria và 6 nước Trung Đông khác. WHO cho biết 21 quốc gia Trung Đông đã đặt ưu tiên khẩn cấp cho các chiến dịch tiêm chủng phòng bại liệt ở trẻ em, đồng thời hối thúc những nước lân cận thực hiện tương tự. Các nước tham gia chiến dịch khẩn cấp chủ yếu tìm cách tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi, do độ tuổi này chiếm khoảng 99% tất cả các ca nhiễm bệnh trong vòng 25 năm qua.
Trẻ em Syria trong một trại tị nạn. Ảnh: Internet |
Tình trạng bùng phát của căn bệnh này ở Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại bệnh dịch có thể sớm lan sang châu Âu. Trong suốt hai tuần qua, UNICEF đã cố gắng ngăn dịch bệnh lây lan ở Syria, sau khi 13 trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Virus bại liệt được cho là bắt nguồn từ Pakistan, một trong vài quốc gia mà bệnh bại liệt trẻ em vẫn hoành hành trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Syria hiện bị xem là nước có nguy cơ cao nhất, do tình trạng nội chiến khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ, người dân di tản ồ ạt, thiếu vệ sinh và không được tiếp cận với vaccine. Ngoài Syria, virus bệnh bại liệt trẻ em còn được phát hiện tại Ai Cập, Palestine và Israel trong những tháng gần đây.
Hiện bệnh bại liệt trẻ em hầu như đã bị loại bỏ hoàn toàn tại hầu hết các nước, nhờ các chiến dịch tiêm phòng trong nhiều năm. Theo số liệu của WHO, số trẻ mắc bệnh này trên thế giới đã giảm từ 350.000 trường hợp tại 125 quốc gia năm 1988 xuống còn 223 ca tại 3 quốc gia trong năm qua, gồm Pakistan, Afghanistan và Nigeria. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi ca trong số 200 trường hợp nhiễm bệnh bại liệt trẻ em sẽ bị liệt vĩnh viễn, trong đó 5-10% tử vong do bị liệt hệ hô hấp.
TTXVN/Tin tức