Tổng tuyển cử ở Ixraen: Bất ngờ “Có một tương lai”

Không nằm ngoài dự đoán, Thủ tướng Benjamin Netanyahu gần như chắc chắn tái đắc cử nhiệm kỳ ba sau khi liên minh của ông giành số ghế cao nhất trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 22/1. Tuy nhiên, việc giành vị trí quán quân trong cuộc chạy đua giữa 32 đảng phái của đảng “tân binh” Yesh Atid đã tạo ra bất ngờ lớn. Cùng với sự cân bằng số ghế giữa hai khối hữu và tả, sự nổi lên của đảng trung dung Yesh Atid có thể mang lại một sự thay đổi trong chính sách của chính phủ mới.

 

Những người ủng hộ Yesh Atid vui mừng với chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử quốc hội. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Với 99,5% số phiếu bầu đã được kiểm, liên minh cánh hữu cầm quyền giữa đảng Likud và Beitenu chỉ giành 31 ghế trong tổng số 120 ghế của quốc hội khóa mới, giảm 11 so với 42 ghế hiện tại. Đảng trung dung Yesh Atid bất ngờ về vị trí thứ hai với 19 ghế, vượt qua đảng Lao động với chỉ 15 ghế. Đảng Jewish Home trung tả, từng được kỳ vọng về vị trí thứ 2, chỉ giành được 11 ghế.


Chỉ sau một đêm, Yesh Atid - có nghĩa là “Có một tương lai” - và người sáng lập Yair Lapid bỗng xuất hiện ngập tràn trên các trang báo. Ông Yair Lapid, 49 tuổi, từng là nhà bình luận sắc sảo trên tờ báo có lượng ấn bản đứng đầu Ixraen “Yediot Aharonot” và sau đó trở thành người dẫn chương trình trên Kênh 2. Bố ông là cựu Bộ trưởng Tư pháp Tommy Lapid, cũng từng là nhà báo và sau đó chuyển sang hoạt động chính trị, lãnh đạo đảng Shinui. Đầu năm 2012, ông Yair Lapid tuyên bố giã từ nghề báo để dấn thân vào con đường chính trị, và tới tháng 4/2012, “Có một tương lai” chính thức ghi tên trên chính trường Ixraen.


Chiến dịch tranh cử của đảng Yesh Atid tập trung vào các vấn đề kinh tế trên nền tảng thu hút cử tri là những người Ixraen không thuộc tôn giáo, song vẫn giữ hòa khí với các cộng đồng tôn giáo, đồng thời hòa hợp với giới cử tri coi các vấn đề nội địa là ưu tiên hàng đầu và nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tất cả người dân Ixraen phải có khả năng có thu nhập đủ sống. Ông Yair Lapid từng khẳng định rằng “Yesh Atid không phải là đảng trung tả mà là đảng trung dung, đảng của tầng lớp trung lưu Ixraen, của những người đóng thuế theo kiểu cũ...”.


Chính phủ bớt “diều hâu”?


Không chỉ bất ngờ với sự nổi lên của Yesh Ataid, sự ủng hộ mạnh mẽ cho các đảng trung dung đã khiến 120 ghế quốc hội được chia đều cho cả hai khối cánh hữu và trung tả. Kết quả này là một “đòn đau” với ông Netanyahu, vốn vẫn kỳ vọng rằng cánh hữu sẽ giành ít nhất 61 ghế, mang lại cho ông sự “tự do hành động” hơn trong các vấn đề đối ngoại chủ chốt như chương trình hạt nhân của Iran và tiến trình hòa bình với Palextin.


Kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Netanyahu không còn lựa chọn nào khác là phải kết hợp với Yesh Atid tìm kiếm đối tác thành lập chính phủ. Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, ông Netanyahu đã "chìa tay" với ông Lapid và tuyên bố rằng “chúng ta có cơ hội để làm những điều lớn hơn cho đất nước Ixraen". Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Lapid sẽ vận động để thành lập một chính phủ trung dung hơn hay chấp nhận các đối tác hữu khuynh như Jewish Home. Trong tình huống nào đi nữa thì những bất đồng về ý thức hệ giữa các đối tác tiềm tàng trong liên minh có thể sẽ khiến việc thành lập một chính phủ ổn định không phải là nhiệm vụ dễ dàng.


Các nhà phân tích cho rằng, vị thế chính trị suy yếu sẽ buộc đương kim Thủ tướng Netanyahu phải có những nhượng bộ nhất định và chính sách đối ngoại của chính phủ mới, nếu được thành lập, nhiều khả năng sẽ bớt “diều hâu” hơn. Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/1, người đứng đầu “Có một tương lai” đã kêu gọi thành lập một chính phủ liên minh rộng lớn hơn, trong đó có thêm nhiều nhân tố trung dung hơn từ cả hai cánh tả và hữu để có thể mang lại một sự thay đổi thực sự. Dù ít đề cập tới tiến trình hòa bình Trung Đông trong tranh cử nhưng ông Lapid đã từng nói rằng ông ủng hộ chủ trương đàm phán với Palextin và tuyên bố sẽ không tham gia một chính phủ nói không với đàm phán.


Trong khi đó, các vấn đề trong nước cũng không kém phần áp lực đối với việc thành lập chính phủ mới. Thâm hụt ngân sách cao hơn gấp đôi dự báo (4,2% GDP) đồng nghĩa với việc Ixraen gần như chắc chắn sẽ phải tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trong thời gian tới. Tuy nhiên, chính sách khắc khổ lại bị các đảng trung dung phản đối vì cam kết tranh cử của họ là cải thiện cuộc sống của tầng lớp trung lưu Ixraen.


Lê Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN