Tranh cãi quanh giảm giờ làm ‘cổ cồn trắng’ tại Nhật

Nhằm giảm thiểu số ca tử vong của lực lượng nhân viên văn phòng do làm việc lao lực, chính phủ Nhật Bản mới đây đã đưa ra một dự luật nhằm cắt giảm số giờ làm thêm. Tuy nhiên, động thái này của chính phủ đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.  

Một doanh nhân ngủ trên băng ghế tại một nhà ga ở Tokyo.


Hơn bất kì người nào khác, ông Teruyuki Yamashita, 53 tuổi là người hiểu rõ nhất những nguy cơ của tình trạng lao động cật lực. Với công việc của một nhân viên bán hàng cấp cao, ông làm việc quần quật cả đêm lẫn ngày, đi công tác nước ngoài hàng trăm hàng ngàn chuyến và ngủ trung bình chỉ ba giờ mỗi tối.

Nhịp độ làm việc điên cuồng đó đã khiến ông ngã quỵ vào 6 năm trước do xuất huyết dưới màng nhện, một dạng chảy máu não. Ông trải qua ba tuần chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện và tỉnh dậy với đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. “Tôi đã nói với một y tá là trời tối, tôi không nhận ra mình đã bị mù”, ông kể lại.

Hàng trăm ca tử vong liên quan đến tình trạng làm việc quá sức, từ đột quỵ, đau tim cho đến tự tử được ghi nhận hàng năm tại Nhật Bản cùng một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác đã làm dấy lên các vụ kiện cũng như những lời kêu gọi tìm cách giải quyết vấn đề.

Hồi tháng trước, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua một dự luật cho phép những nhân viên văn phòng có thu nhập trên 10,75 triệu yen (gần 2 tỉ đồng) một năm, không phải tuân thủ quy định giờ làm việc. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe đang hy vọng dự luật này sẽ được Quốc hội thông qua.

Phe ủng hộ dự luật này cho rằng những thay đổi trong dự luật mới sẽ giúp những nhân viên làm việc năng suất được thưởng xứng đáng. Ngoài ra những người này cũng được chủ động sắp xếp thời gian có mặt ở văn phòng. Nếu đã hoàn thành công việc, họ có thể ra về sớm hơn hoặc đi làm muộn hơn. Ngoài ra, theo những người ủng hộ, dự luật này sẽ cho phép những người làm công ăn lương tự thỏa thuận với chủ lao động mà không hề tạo ra sự ép buộc.

Lợi bất cập hại?

Trong khi đó, những người phản đối dự luật mới gọi dự luật này là “dự luật làm thêm giờ không ăn lương”, buộc mọi người làm việc lâu hơn và không được trả thêm tiền vượt quá mức lương thỏa thuận. Những người này đồng thời chỉ trích dự luật mới sẽ đặt người lao động vào tình thế khó từ chối chuyển sang mô hình mới.

Theo giáo sư danh dự Koji Morioka tại trường đại học Kwansei Gakuin, việc này có thể làm tăng số ca tử vong liên quan đến tình trạng làm việc quá sức cũng như làm gia tăng các vấn đề sức khỏe. “Chính phủ muốn tạo ra một hệ thống trong đó các công ty không phải trả tiền làm thêm giờ. Việc này có thể làm tăng các ca tử vong do làm việc quá sức”, ông nói.

Ngoài ra, theo giáo sư Morioka, dự luật mới dường như đi ngược lại tinh thần của một bộ luật được thông qua mùa hè năm ngoái nhằm ngăn chặn các ca tử vong vì giờ làm việc kéo dài, vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các chính đảng. Nếu được quốc hội thông qua, ban đầu luật mới của Nhật Bản sẽ tác động đến 4% lực lượng lao động ở khu vực tư, tương đương khoảng 1,8 triệu người.

Dù hình ảnh quen thuộc về những nhân viên văn phòng Nhật Bản miệt mài "cày cuốc" hàng chục tiếng đồng hồ ở công ty trước khi bắt chuyến tàu cuối cùng trở về nhà đang thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều người bám trụ văn phòng lâu hơn so với những đối tác ở các nền kinh tế hiện đại khác.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, khoảng 22,3% người làm công ăn lương Nhật Bản làm trung bình khoảng 50 giờ hoặc hơn trong một tuần. Trong khi tỉ lệ này là 12,7% ở Anh, 11,3% ở Mỹ và 8,2% ở Pháp.

Trong năm 2013, một nghiên cứu chính phủ Nhật Bản chỉ ra 16% lực lượng lao động văn phòng làm toàn thời gian không nghỉ phép theo hình thức nghỉ phép không ăn lương, trong khi số khác trung bình chỉ nghỉ nửa lượng thời gian cho phép.

Trong cùng năm, có 196 trường hợp tử vong và tự tử liên quan đến làm việc quá mức được ghi nhận. Nhưng giáo sư Shigeru Waki của trường đại học Ryukoku cho rằng, con số này chỉ là phần nổi. “Số người đã chết hoặc mắc bệnh do làm việc quá sức nhiều hơn thế, nhưng rất khó để chứng minh”, ông nói.

Anh Tiếu (Theo AFP)


Phát minh 'toilet khẩn cấp'  của học sinh Nhật Bản
Phát minh 'toilet khẩn cấp' của học sinh Nhật Bản

Nghe thật kỳ lạ nhưng ý tưởng chế tạo “toilet khẩn cấp” có thể là một trong những sáng kiến đơn giản và quan trọng nhất tại Nhật Bản đầu năm 2015, bởi nó gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN