Trào lưu tự tử đáng báo động ở người già Trung Quốc

Sau khi tắm rửa, cụ Lin, 69 tuổi, mặc một bộ quần áo sạch sẽ. Ông ngồi giữa nhà và trước khi đưa chai thuốc sâu lên miệng, ông châm lửa hóa vàng mã cho chính mình. Số vàng mã mới cháy được một nửa thì người đàn ông tội nghiệp đã quỵ ngã và nằm bất động trên sàn.


Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tỷ lệ người già Trung Quốc tự tử đang ngày một gia tăng bởi các nạn nhân coi đây là lối thoát để giải phóng cho con cái mình khỏi gánh nặng kinh tế.

 

 

Tỷ lệ tự tử trong người già Trung Quốc đang tăng lên.


Xu hướng tự tử trong người già tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên từ năm 2008. Ở thời điểm đó, nhà nghiên cứu Lui Yanwu và đồng nghiệp đã tiến hành một cuộc điều tra tại huyện Jingshan, Hồ Bắc và khi họ hỏi người dân trong vùng về các trường hợp tử vong bất thường của người già, câu trả lời nhận được khiến họ kinh ngạc: “Ở chỗ chúng tôi, không có người già nào chết một cách bình thường cả”.


Là trưởng khoa xã hội học tại Đại học Hồ Bắc, ông Liu cũng đồng thời điều phối dự án “Nghiên cứu xã hội học về các vụ tự tử của người già ở nông thôn” do Quỹ quốc gia về khoa học xã hội chủ trì. Để phục vụ cho nghiên cứu này, ông Liu đã tới khoảng 40 ngôi làng tại 11 tỉnh khác nhau của Trung Quốc. Tại đây, ông phát hiện ra rằng bi kịch như của cụ Lin kể trên không còn là một trường hợp đơn lẻ, các vụ tự tử ở người già vùng nông thôn Trung Quốc đã ở “mức độ rất nghiêm trọng”.


Các số liệu ông Liu thu thập được trong đợt nghiên cứu kéo dài hơn 400 ngày cho thấy số vụ tự tử tuy giảm nhưng ở nhóm những người nông dân già, xu hướng là ngược lại”. Theo ông Liu, “ít nhất 30% trong tổng số người già tự tử và chắc chắn con số này vẫn thấp so với thực tế”.


Bất ngờ hơn, ông Liu và đồng nghiệp còn phát hiện rằng đằng sau những vụ người già tự tử có ẩn giấu những kẻ giết người.


Thực vậy, giáo sư Yang Hua (thành viên của nhóm nghiên cứu) kể về trường hợp một đôi vợ chồng già quyết định uống thuốc sâu tự tử. Cụ bà chết ngoài đồng, song cụ ông vẫn sống. Tuy vậy, những người thân trong gia đình đã không đưa cụ ông tới bệnh viện mà thay vào đó, để cụ nằm trên giường chứng kiến lễ tang của người vợ diễn ra ngày hôm sau. Ba ngày sau, cụ ông xấu số qua đời.


Lý giải về thực tế đáng buồn này, chuyên gia Liu Yanwu nói: “Trong xã hội hiện đại, logic thị trường là tối thượng”. Khi con người xử lý các mối quan hệ giữa những người thân theo góc tiếp cận thị trường, họ bắt đầu tính toán. Những người nông dân cho biết bỏ ra 30.000 NDT để chăm một người già nhằm giúp họ sống được thêm 10 năm là một quyết định táo bạo, khi mà thu nhập từ nông sản chỉ là 3.000 NDT mỗi năm. Chuyên gia Yang Hua cho hay: “Hơn 1/2 số các vụ tự tử của những người nông dân già được xếp vào tiêu chí ‘vị tha’, tức họ ra đi vì lo lắng cho lợi ích của con cái”.


He Xuefeng, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu quản trị nông thôn Trung Quốc, gọi thực tế này là “một dạng bóc lột liên thế hệ”: Những người già bị “khai thác” khi còn trẻ để giúp con cái xây nhà, lập gia đình, khi “nhiệm vụ cuộc đời” này kết thúc và họ mất khả năng làm việc thì thật đáng buồn về những gì mà họ nhận được trên cả phương diện tình cảm cũng như vật chất.


Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Doãn Mậu Tiệp, Trung Quốc hiện có hơn 200 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 14,9% tổng dân số, trong khi Ủy ban quốc gia về vấn đề già hóa dự báo Trung Quốc sẽ đạt đỉnh về dân số già trong 20 năm tới. Ông Liu Yanwu dự đoán: “Với tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc, những gì đang xảy ra ở huyện Jingshan hiện nay sẽ có thể lặp lại ở rất nhiều địa phương khác”.


Thái Nguyễn (Theo Thư tín quốc tế)

Cứ 40 giây có một người tự tử
Cứ 40 giây có một người tự tử

Cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới, số người chết vì tự tử còn nhiều hơn tất cả nạn nhân của các cuộc chiến tranh và thảm họa tự nhiên hàng năm. Đây là báo cáo đầu tiên của WHO về tình trạng tự tử trên toàn cầu, với số liệu thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN