Theo trang Odditycentrao, doanh nhân 52 tuổi bắt đầu công việc nhặt rác trên đường phố Trùng Khánh từ 3 năm trước sau một chuyến đi nghỉ Tết cùng gia đình tới tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc. Tại đây, ông gặp gỡ một nữ giáo sư đại học nghỉ hưu, người đã tích cực nhặt rác trên bãi biển địa hương hàng ngày và trong suốt 4 năm.
Zhong rất ấn tượng với hành động của vị giáo sư và ông quyết tâm sẽ theo tấm gương đó, ngày ngày đi thu nhặt rác để làm sạch thành phố nơi mình sinh sống.
Ngay từ khi bắt đầu, thói quen nhặt rác của ông Zhong đã thu hút nhiều sự chú ý của cả người dân địa phương lẫn giới truyền thông. Người ta không thể hiểu tại sao một triệu phú sở hữu nhiều bất động sản, nhiều đại lý xe ô tô và các nhà máy sơ chế nguyên liệu lại mất thời gian hàng ngày đi nhặt rác bằng tay. Ban đầu, họ nghĩ đây chỉ là một chiêu trò thu hút sự chú ý của ông Zhong.
Video ông Zhong đi nhặt rác làm sạch hè phố:
Ngay cả người thân trong gia đình ban đầu cũng thấy kỳ cục. Vợ và các con ông thấy ngại khi bị truyền thông dòm ngó, họ thậm chí còn từ chối xuất hiện cùng ông ở nơi công cộng.
Nhưng vị triệu phú không để những lời đàm tiếu ảnh hưởng tới quyết tâm của mình. Và dần dần, mọi người đã thay đổi cách nhìn về ông. họ nhận thấy đường phố xung quanh trở nên sạch hơn nhờ nỗ lực của Zhong Congrong. Vợ ông hiện nay cũng là một nhà vận động phản đối xả rác ra đường phố.
Không chỉ đi nhặt rác, doanh nhân triệu phú còn làm hết sức mình để cổ vũ những người khác bảo vệ môi trường. Ông mặc một chiếc áo phông màu cam in khẩu hiệu phản đối xả rác, mang theo chiếc radio phát lời tuyên truyền giữ gìn vệ sinh tới các quán ăn, nhà hàng. Ở công ty của mình, ông quy định phạt công nhân 10 tệ mỗi lần họ xả rác bừa bãi.
Video vị triệu phú Trùng Khánh tuyên truyền nhắc nhở ý thức vệ sinh trong quán ăn:
Tuy vậy, ông hoàn toàn ý thức được rằng, một sự thay đổi thực sự sẽ cần đến những biện pháp rộng rãi hơn. "Trung Quốc cần những quy định nghiêm ngặt hơn để chống xả rác bừa bãi. Nếu chỉ dựa vào ý thức cá nhân thì chưa đủ. Người Trung Quốc sợ 'mất mặt'. Họ ít quan tâm bị phạt bao nhiêu hơn là bị "xấu mặt' như thế nào với hành động của mình", ông Zhong nói.
Trước ông Zhong, đã từng có một doanh nhân gốc Hàn Quốc sống tại Bahrain ngày ngày nhặt rác trong suốt 11 năm.