Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, Mỹ có tới 10.000 người trông rừng, nay chỉ vài trăm người còn bám trụ với nghề. Họ được trang bị ống nhòm, la bàn và đài radio. Họ sống trong căn phòng rộng hơn 20 m2 trên tháp cao để quan sát toàn bộ cánh rừng, phát hiện các đám cháy. Đây là biện pháp chống cháy rừng khá thô sơ và cổ điển đối với nước Mỹ hiện đại.
Chàng trai 26 tuổi Levi Brinegar là người trông rừng cho Cục kiểm lâm Mỹ tại rừng quốc gia Helena-Lewis và Clark ở bang Montana. Cứ 5 đến 7 ngày Brinegar mới xuống núi. Đây cũng là thời gian hiếm hoi điện thoại của Brinegar có sóng để nhắn tin và gửi email. Khi ở trên núi, anh chỉ có thể liên lạc với thế giới bên ngoài qua radio.
Levi Brinegar trong một ca làm việc. |
Lịch trình hàng ngày của những người trông rừng ngày nào cũng như ngày nào. Họ dậy lúc 7 giờ sáng, báo cáo với cơ quan trung tâm, theo dõi rừng, đo độ ẩm, thông báo tình hình thời tiết, ăn trưa, tiếp tục quan sát rừng, ăn nhẹ, xem DVD và cuối cùng là đi ngủ. Brinegar còn trẻ tuổi nhưng chấp nhận việc sống tách biệt với xã hội này vì mức lương 12 USD/giờ. Brinegar không hề than thở mà thậm chí coi đây là công việc tốt nhất trên thế giới.
Kể từ khi đảm nhận vị trí vào tháng 7, Brinegar đã lập công khi báo được 4 vụ cháy bao gồm một vụ ở Núi Nevada cách đó 27 km. Các vụ cháy hầu hết đều được dập tắt kịp thời. Đến khi tuyết rơi, Brinegar sẽ tạm chia tay cánh rừng và sự cô đơn trong một thời gian.
Những người trông rừng khác cũng đang cần mẫn làm việc một mình giữa thiên nhiên rộng lớn khắp nước Mỹ trong mỗi mùa hè. Leif Haugen (46 tuổi), một “lão làng” thường huấn luyện những người trông rừng mới vào nghề, chia sẻ: “Chỉ có một tuýp người nhất định mới có thể làm việc này. Tất cả những người trông rừng đều lập dị”. Theo Haugen, người trông rừng phải hiểu được nhịp điệu của thiên nhiên.
Những người trông rừng thường đan len, leo núi, đọc sách, vẽ tranh, chụp ảnh hoặc học chơi nhạc cụ trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng khi bắt tay vào việc, họ vẫn ngỡ ngàng với lượng thời gian cô đơn ở nơi heo hút, chỉ chăm chăm theo dõi rừng và thời tiết. Dù vậy, đối với những người có thể tự thích ứng với phong cách sống này, thành công sẽ đến với họ.
Một ví dụ điển hình là nhà thơ Gary Snyder. Ông từng làm nghề trông rừng lại Bắc Cascades, bang Washington trong một thời gian. Nhà văn Edward Abbey đã dùng trải nghiệm khi làm nghề trông rừng tại bang Utah và Arizona trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước để làm chất liệu cho các cuốn tiểu thuyết.
Cũng có thể kể đến Philip Connors, người đã từ bỏ công việc tại tờ Wall Street Journal sau sự kiện 11/9 rồi chuyển từ New York về bang New Mexico trông rừng quốc gia Gila với mức lương 13 USD/giờ. Ban đầu ông coi đây là cách để vừa có tiền, vừa được ngắm cảnh đẹp và có cảm hứng để sáng tác. Về sau, ông đã thực sự gắn bó với nghề trông rừng.
Mới đây, Wisconsin đã trở thành bang mới nhất đóng tháp trông rừng. Thay vào đó, bang này sử dụng máy bay và camera để chi phí rẻ và an toàn hơn. Nhưng tại Montana, New Mexico và nhiều nơi khác ở Mỹ, số nhân viên trông rừng vẫn ổn định trong thập kỷ qua. Dường như đôi mắt và trí tuệ con người vẫn có thể làm những việc mà máy bay không người lái, vệ tinh và camera không thể làm được.