Trong bảng lảng sương khói Langbiang, những người tuần tra rừng như lọt thỏm giữa đại ngàn. Rừng mùa này hanh khô. Những ngọn cỏ bạc phếch vì nắng gió cao nguyên. Bắt đầu tuần tra khi trời chưa sáng rõ đến lúc mặt trời lên thẳng đỉnh đầu, nhóm bảo vệ rừng của “thủ lĩnh” Kon Sơ Ha Pấc (xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) mới dừng nghỉ chân. Trại dã chiến được lập ngay dưới tán rừng thông. Hơn chục người cả nam và nữ vội lấy những hộp cơm đem theo để giải quyết cơn đói sau nhiều tiếng đồng hồ đi rừng. Giữa ngàn thông reo vi vu, trưởng nhóm Kon Sơ Ha Pấc cho biết: “Từ lúc nhận khoán bảo vệ rừng đến nay nhóm của tôi chưa để xảy ra vụ chặt hạ hay cháy rừng nào. Sang năm mới cả nhóm đặt ra quyết tâm giữ vững thành tích này”.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng nhóm bảo vệ rừng kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại khu vực Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà. |
Nhóm của ông Kon Sơ Ha Pấc gồm 13 hộ sống trong buôn làng Đa Nhim. Từ năm 2014 đến nay, họ “hợp đồng” với Ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (thuộc vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Langbiang vừa được thế giới công nhận trong năm 2015) bảo vệ gần 300 ha rừng. Công việc thường xuyên của nhóm là kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng. “Nhóm của tôi còn phân công nhau phối hợp với lực lượng kiểm lâm theo dõi, ngăn chặn được nhiều vụ phá rừng tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt trong thời gian qua đã bảo vệ được những cây pơ mu quý trong khu vực rừng được giao khoán”, Ha Pấc thổ lộ.
Anh Ha Quyn (xã Đa Sar, Lạc Dương) giới thiệu về cây thông đỏ - một trong những loại lâm sản quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Cũng như xã Đa Nhim, mấy chục năm trước, cộng đồng người Cill trong các xã Đa Sar, Đa Chais, xã Lát… sống nhờ vào khai thác sản vật rừng xanh. Ngày nay, nhận thức được tầm quan trọng của rừng, họ đã chủ động nhận quản lý bảo vệ rừng và nhận tiền chăm sóc và bảo vệ rừng hàng năm. Từ đó giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định trang trải cho sinh hoạt, cũng là sống nhờ rừng nhưng lại theo một phương pháp khác. Mấy năm qua, mỗi quý gia đình ông Ha Quyn (xã Đa Sar, Lạc Dương) vẫn đều đặn nhận “lương” từ công việc bảo vệ rừng. Trung bình mỗi quý được khoảng 3 triệu đồng. Nguồn thu nhập ổn định này đã giúp gia đình ông ngày càng quyết tâm bám rừng và bảo vệ rừng. “Không chỉ gia đình tôi mà bà con trong buôn làng đã thay đổi nhận thức nhiều rồi, không còn phá rừng làm rẫy hay lấy cây gỗ nữa mà nhận bảo vệ rừng”, ông Ha Quyn tâm sự.
Nhờ dựa vào người dân và cộng đồng, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại Bidoup - núi Bà đã giảm xuống rõ rệt. Liên tục trong mấy năm qua, đã phát hiện khoảng 30 vụ vi phạm rừng/năm. Đặc biệt trong cả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, toàn khu vực không xảy ra cháy rừng hay vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Mùa khô năm 2016 chuẩn bị vào cao điểm, phương án phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đã được chuẩn bị kỹ càng. Những nhóm cư dân người Cill đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng để cùng lực lượng kiểm lâm giữ bình yên cho những vùng rừng giáp ranh hay những điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng, góp phần giữ màu xanh cho khu dự trữ sinh quyển Langbiang.