Trung Quốc - “kho phế liệu điện tử” lớn nhất thế giới

Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc máy tính cũ, điện thoại hỏng? Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, đa số chúng sẽ được chuyển đến các bãi rác linh kiện điện tử ở Trung Quốc và quốc gia này đã trở thành “kho phế liệu điện tử” lớn nhất thế giới.


 

Người mẹ tranh thủ nghỉ tay, cho con ăn ngay giữa đống phế liệu ở thị trấn Guiyu, tỉnh Quảng Đông.

Rác điện tử bao gồm tất cả đồ dùng bỏ đi như vô tuyến, tủ lạnh hay máy tính xách tay... Một số sản phẩm được sản xuất ngay tại Trung Quốc và bán ra các nước khác nhưng sau một quá trình dài phân phối, sử dụng, nhiều vật dụng đã quay trở lại đây để... “chết”.


“Khoảng 70% đồ điện cũ hỏng trên khắp thế giới được chuyển về Trung Quốc một cách lén lút do không được phép của LHQ” - ông Ma Tianjie, người phát ngôn Tổ chức Hòa bình xanh Bắc Kinh cho biết.


Trong thập kỉ qua, thị trấn Guiyu thuộc tỉnh Quảng Đông đã trở thành “nấm mồ” của rác điện tử. Cũng ngần ấy năm, kho phế liệu này đã nuôi sống hàng trăm ngàn người dân quanh khu vực bằng việc nhặt bán các linh kiện có thể tái sử dụng. Trên khắp các con đường lớn nhỏ, những đống phế liệu đủ loại được xếp tầng tầng lớp lớp.

 

Lợi bất cập hại


“Tái chế rác thải giúp bảo vệ môi trường nhưng việc tái chế thủ công thế này đã gây hại lớn cho môi trường sống của người dân địa phương”, ông Ma nhấn mạnh. LHQ hồi tháng 4/2013 cảnh báo thị trấn Guiyu đang phải đối mặt với “thảm họa môi trường” do lượng rác thải điện tử khổng lồ gây ra.


Những người lần đầu đặt chân tới Guiyu chắc chắn không thể tránh khỏi cảm giác bỏng rát mắt, mũi do bầu không khí đặc quánh khói hóa chất nơi đây. Vô số chất độc hại như chì, beryllium cùng tro bụi đã rò rỉ ra môi trường sau khi người dân đốt các loại bảng mạch điện tử, nhựa và dây đồng rồi tráng chúng qua hydrochloric acid để làm mới. Rác điện tử sau khi đốt cháy sẽ được “chôn” tạm ở những cánh đồng lầy lội xung quanh làng. Đáng lo ngại hơn, bên trong các ti vi màn hình phẳng có chứa một lượng lớn thủy ngân nên khi đốt hoặc chôn xuống đất, chúng sẽ dễ dàng ngấm vào nguồn nước và thực phẩm như rau, cá...


Phần lớn người lao động tại “thị trấn phế thải” là người tỉnh lẻ và không được học hành đầy đủ. “Tất nhiên công việc này không an toàn nhưng nó thoải mái hơn là đi làm thuê cho các nhà máy. Tôi có thể chủ động được giờ giấc và kết hợp trông con”, bà Lu vừa nói vừa phân loại các thiết bị như bàn phím, chuột máy tính và điều khiển tivi…


Kết quả phân tích của Viện y khoa Shantou (Trung Quốc) đã chỉ ra rằng, nồng độ chì trong máu của trẻ em Guiyu đã vượt mức an toàn nhiều lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ.


Một số nông dân gốc Quảng Tây đến thị trấn Guiyu để trồng trọt cũng bộc bạch: “Chúng tôi không dám uống nước giếng, ăn gạo từ lúa trồng trên các cánh đồng ngập nước thải ô nhiễm của địa phương”. Nếu giặt quần áo bằng nước giếng, ngay lập tức vải sẽ chuyển sang màu vàng ố, họ cho biết.


Khi được hỏi số gạo ở Guiyu sẽ được phân phối đi đâu, những người nông dân cũng không rõ. Giới chuyên môn nhận định, có thể tình trạng trồng hoa màu tại những nơi ô nhiễm như ở Guiyu đã gây ra hàng loạt vụ gạo nhiễm độc tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Quảng Châu (cách thị trấn Guiyu khoảng 400 km), các mẫu gạo, bún được lấy từ nhà hàng, người bán lẻ và nhà ăn trường học tại đây đều chứa một lượng lớn chất độc cadmium. Tuy vậy, cơ quan chức năng cũng không nói rõ số gạo độc đã được chuyển vào thành phố bằng cách nào.

 

Hoàng Trang (theo CNN)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN