Cuối năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, công viên Akademichexki được đổi tên thành quảng trường Hồ Chí Minh. Tại quảng trường này bạn đã chọn vị trí để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh; và khánh thành vào năm 1990. Tượng đài hiển hiện hình tượng Hồ Chí Minh, toát lên một cốt cách minh triết phương đông, giản dị và lão thực trước hàng tre Việt Nam và hình tượng người thanh niên Việt Nam cuồn cuộn sức sống như sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Cung điện Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị ở thành phố Pushkin (Saint Petersburg). Ảnh: Quang Vinh
|
Trong màu nắng vàng như mật ong của chiều Moskva, chúng tôi đến tưởng niệm Người, dưới chân tượng đài là những đóa hoa tươi thắm. Dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Nga được khắc mặt trước tượng đài đã làm cho mỗi người Việt Nam khi đến đây xiết bao xúc động và tự hào về Bác; làm cho bạn bè quốc tế hiểu được tầm vóc rộng lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới. Cũng ở chính quảng trường này chúng tôi cảm thấy thiêng liêng và vô cùng thân thiết; vì đó là không gian Hồ Chí Minh, không gian Việt Nam.
Moskva là thủ đô vĩ đại của một cường quốc; mãi mãi là một trong những trung tâm về quyền lực, sức mạnh kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của nước Nga và nhân loại. Moskva hiện đại, to lớn nhưng vẫn đầy thơ mộng và quyến rũ. Ai đã một lần đi du thuyền trên sông Moskva sẽ không thể nào quên những cảm giác như đang đi xuyên qua những tầng sâu của văn hóa và lịch sử, đang hưởng thụ một không gian thiên nhiên tinh khiết giữa một thành phố hiện đại. Moskva đông đúc mà vẫn quy củ và trật tự. Với số dân hơn 11 triệu người và diện tích gần 900 km2 nhưng giao thông ở Moskva vẫn thuộc loại “thoáng” so với các thành phố tầm cỡ trên chục triệu dân. Ít có thủ đô nào mà các mạng lưới giao thông công cộng lại được quy hoạch hợp lý và phương tiện giao thông đa dạng như ở Moskva. Hầu hết các phương tiện giao thông như xe ôtô buýt, xe điện bánh hơi, tàu điện, tàu điện ngầm (metro), tàu thủy du lịch đều quen thuộc và tiện lợi với người dân và du khách.
Tôi chợt nhớ ai đó nói rằng chưa đi tàu điện ngầm thì chưa thực sự biết Moskva. Tàu điện ngầm ở Moskva đúng là một hệ thống metro tuyệt vời về sự vận hành của nó cũng như sự hoành tráng, lộng lẫy của các ga, bắt đầu hoạt động từ ngày 15/5/1935. Toàn hệ thống có 11 tuyến đường với tổng chiều dài 278 km và hơn 170 ga. Hệ thống metro ở Moskva được thiết kế thành các tuyến đường thẳng giao nhau tại khu vực gần trung tâm thành phố; bao quanh là một tuyến đi theo đường tròn kết nối tất cả các tuyến lại, tạo thành một hệ thống “mạng nhện”.
Mỗi ga tàu điện ngầm là những công trình nghệ thuật độc đáo. Đi trong các nhà ga này ta có cảm tưởng như đang đi vào các cung điện hay các bảo tàng nghệ thuật. Các bức tranh treo tường hay khảm vào tường hoặc các bức phù điêu đều có giá trị nghệ thuật cao. Ga nào cũng có các loại đèn chùm pha lê chiếu sáng. Với sự thuận tiện và văn minh cùng với giá rất ưu đãi nên mỗi ngày hệ thống metro phục vụ hơn 9 triệu lượt hành khách; bình thường cứ 2 phút có một chuyến tàu, vào giờ cao điểm thì 90 giây lại có một chuyến.
Dù hệ thống metro phát triển như vậy nhưng Moskva còn có hệ thống xe buýt chạy qua các ga metro và bao phủ toàn bộ khu vực dân cư. Và hình như đường phố chính nào cũng có ít nhất một tuyến xe buýt. Ngoài ra Moskva còn có các hệ thống xe điện như xe điện của Hà Nội trước đây và xe điện bánh hơi mà ta quen gọi là trolleybus cũng đã từng hoạt động ở Hà Nội vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Với hệ thống và các phương tiện giao thông công cộng thuận tiện như vậy nên giao thông ở Moskva đích thực là có văn hóa. Trên đường phố chủ yếu là xe ôtô và người đi bộ; người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối. Bất kỳ ở giao lộ nào nếu không có đèn giao thông mà có vạch cho người đi bộ thì các phương tiện giao thông phải nhường cho người đi bộ qua đường. Quang Vinh, phóng viên thường trú TTXVN tại Moskva bảo tôi, đó là luật lệ trên toàn Nga. Khi tới Saint Petersburg có một lần đi qua đại lộ Nepxki tôi đứng giữa đường để chụp một tấm hình đại lộ này. Vừa nâng máy lên thì đèn xanh đã bật, tôi chạy vội vào mé đường nhưng người lái xe ra hiệu cho tôi tiếp tục chụp cho xong tấm ảnh đó. Tôi hơi bất ngờ và nhớ mãi về một cử chỉ đẹp của người dân Saint Petersburg.
Đầu tháng 10 nếu Moskva còn mưa nắng thất thường thì Saint Petersburg trời xanh cao vời vợi; dù những cánh rừng bạt ngàn trong và ven thành phố chưa có lá vàng, lá đỏ nhưng đất trời đã thật là thu. Nắng vàng như giát trên những mái vòm nhà thờ, cung điện cổ kính; nắng buông tơ bảng lảng sông nước Neva, nắng như rót vào lòng bàn tay trong chiều thành phố Puskin.
Sông nước Neva giữa trời thu Saint Petersburg. Ảnh: Quang Vinh
|
Chúng tôi đến Saint Petersburg, thành phố được mệnh danh là Venice ở phương Bắc; do Pyotr Đệ nhất xây dựng từ năm 1703 và là thủ đô của nước Nga cho tới năm 1918 sau Cách mạng tháng Mười Nga, thủ đô của nước Nga Xô Viết mới dời về Moskva. Nói đến Saint Petersburg là nói tới thành phố của những cung điện, thánh đường, tượng đài, viện bảo tàng và những di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với quá trình xây dựng thành phố cũng như với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Với 4.000 công trình văn hóa - lịch sử, Saint Petersburg là một thành phố của văn hóa và lịch sử, quyến rũ bậc nhất nhờ sự diễm lệ, huy hoàng không ở đâu có được. Khi đến Saint Petersburg có biết bao địa danh cần được đến tận nơi, nhìn tận mắt; nhưng đó là điều không thể ngay cả với cả không ít người dân Saint Petersburg. Nhưng có những nơi không thể không tới vì “nếu không tới đó thì chưa thể gọi là đã tới nước Nga”.
Cung điện Mùa Đông là một địa chỉ như vậy. Dưới thời Nữ hoàng Elizaveta đệ I - con gái của Pyotr Đại đế - trị vì, cung điện được xây dựng với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy và hoành tráng mà con người có thể tạo tác được. Cung điện Mùa Đông là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Baroque nước Nga vào thế kỷ 18; là tác phẩm vĩ đại nhất của nghệ thuật kiến trúc Nga. Viện bảo tàng Hermitage trong cung điện Mùa Đông có nhiều bộ sưu tập tranh nguyên bản của các danh hoạ Leonardo da Vinci, Rubens, Rembrandt, Michelangelo, những bức tranh độc nhất vô nhị đã trở thành di sản của nhân loại. Trong cung điện Mùa Đông còn trưng bày hơn 3 triệu món đồ cổ quý giá là đồ dùng và các vật trang trí của Hoàng gia. Evgheni, cán bộ của TASS là người của thành phố này bảo, dù đã rất nhiều lần vào đây nhưng anh cũng không thể xem hết các bức tranh trong bảo tàng.
Đến cung điện ở Saint Petersburg, không thể không tới thăm Tsarskoye Selo (Hoàng thôn - Cung điện Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị, 1729-1796), thành phố Pushkin, nơi có căn phòng hổ phách nổi tiếng nước Nga và thế giới. Đây cũng là nơi thi sĩ “mặt trời của thi ca Nga” - Pushkin từng học tập, sống và viết nên những tác phẩm bất hủ. Pushkin đúng là thành phố thơ theo đúng nghĩa; từ mặt hồ tĩnh lặng đến hàng cây im phăng phắc dưới nắng chiều nhạt nhòa đều toát lên sự sâu lắng và thư thái. Thời gian như đọng lại trong mỗi sợi nắng chiều, trong từng kẽ lá, và dường như cả không gian rộng lớn và phóng khoáng này vẫn du dương âm điệu những vần thơ Pushkin đã tặng Natalia trong nhà hát của bá tước Tolstoi ở Hoàng Thôn: Giá có thể bàn tay liều lĩnh /Ngực tròn vuốt nhẹ cuồng si.../ Ảo mộng cả, làm sao ta dám /Bước chân vào vực biển ngầu mê… Giữa không gian thơ ấy, đặt chân vào cung điện Ekaterina do nhà vua Ekaterina đệ I xây dựng và được nữ hoàng Elizaveta mở rộng, ta như bất ngờ lạc vào thế giới của sắc vàng kim rực rỡ và những bức tranh lớn trên trần của đại sảnh; bởi hoa văn chạm trổ trên tường đều được dát vàng. Trong cung điện này có căn phòng hổ phách nổi tiếng của vịnh biển Baltic, được khảm lên tường tới 6 tấn hổ phách.
Saint Petersburg còn rất nhiều nơi nổi tiếng: Đại giáo đường Thánh Issac, một trong những nhà thờ có mái vòm lớn nhất trên thế giới, xây vào đầu thế kỷ 19. Pháo đài Petropavlovskaya, nơi duy nhất ở Nga có bức tượng đồng tạc theo đúng kích thước người thật của Pyotr Đại đế cao 2,2m, được xem là một trong những biểu tượng của thành phố Saint Petersburg; bức tượng đã tạo nên ấn tượng đặc biệt khi hai chân trước của con ngựa mà Pyotr Đại đế đang cưỡi tung vó lên cao thì một chân sau của nó lại đạp lên một con rắn rất lớn.
Trước khi tạm biệt Saint Petersburg, chúng tôi tới thăm Đảo Thỏ đối diện với Cung điện Mùa Đông bên kia bờ sông Neva, nơi còn nguyên vẹn các công trình do Pyotr Đại đế cho xây dựng; và chính ông trực tiếp giám sát. Đây là Nhà thờ Saint Petersburg; xưởng in tiền, xưởng sản xuất binh khí, pháo đài… Và đúng 12 giờ trưa hôm đó, trên pháo đài diễn ra nghi thức bắn pháo, một nghi thức có từ thời Pyotr Đại đế.
Nghe tiếng pháo vang dội vào sông nước Neva giữa màu trời thu xanh như mộng, tôi như có cảm giác hội hè giữa đời thường của Saint Petersburg, của nước Nga trước mùa thu vàng…
XEM PHẦN ĐẦU TẠI ĐÂY