Trường học Bồ Đào Nha cứu đói học sinh

Thật khó có thể tưởng tượng điều này xảy ra ở châu Âu giữa thế kỷ 21, nhưng thực tế đang diễn ra trong bối cảnh Bồ Đào Nha vốn nặng gánh nợ nần bước sang một năm mới vẫn chìm đắm trong khủng hoảng kinh tế, khiến các trường học ở nước này phải lo cả bữa ăn cho những em học sinh bị đói ở nhà.


 

Cậu học sinh tươi tỉnh với chiếc sandwich miễn phí tại một trường tiểu học ở ngoại ô Lisbon.

 

Một ngôi trường ở một quận nghèo phía bắc thủ đô Lixbon vẫn mở cửa trong dịp Giáng sinh vừa qua để phục vụ bữa trưa cho khoảng 40 học sinh từ 4 đến 18 tuổi trong tổng số 800 học sinh của trường. “Nếu không thì các em sẽ có nguy cơ bị đói trong hai tuần. Nhiều học sinh tới trường vào sáng thứ hai trong tình trạng gần như mệt xỉu vì đói sau mấy ngày không được ăn uống đầy đủ”, ông hiệu trưởng đề nghị giấu tên giải thích.


Trên toàn quốc, nhiều trường khác cũng đang phục vụ bữa sáng miễn phí cho hàng ngàn trẻ em kể từ khi bắt đầu năm học. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ học sinh được tài trợ bởi ngành công nghiệp thực phẩm Bồ Đào Nha. Tính tới cuối tháng 11/2012, khoảng 13.000 học sinh đã được hỗ trợ bữa ăn tại các trường học.


Trường học nói trên ở Lisbon cũng đã thông báo phục vụ bữa sáng cho một loạt học sinh có nhu cầu. “Khủng hoảng ngày càng tồi tệ, chúng tôi thấy ngày càng nhiều em không được ăn uống đầy đủ”, thầy hiệu trưởng phát biểu với AFP. Trong dịp nghỉ lễ Phục sinh, trường lên kế hoạch phục vụ 100 em, đa số có bố mẹ mất việc, giống như 16% lực lượng lao động của Bồ Đào Nha, nhưng không được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội.


Những bữa ăn miễn phí này có kinh phí từ nguồn thu của căngtin trong trường cũng như từ việc bán các thiết bị trường học. Mặc dù vậy, không phải tất cả học sinh đều đón nhận những bữa ăn như vậy. “Dù đói, khoảng một nửa các em, hầu hết là thiếu niên, vẫn không thích tới đây vì như thế chúng sẽ lộ ra cảnh nghèo đói của cha mẹ mình với bạn học”, thầy hiệu trưởng cho biết.


Ở khu Sacavem, ngoại ô Lisbon, hiệu trưởng một trường tiểu học và mẫu giáo, cô Ana Parente cũng kể câu chuyện tương tự: “Nhiều bậc cha mẹ mất việc làm và lần đầu tiên chúng tôi đã phải cấp bữa sáng miễn phí cho 10 học sinh tiểu học”. Hơn một nửa số gia đình ở Sacavem nhận trợ giúp của nhà nước để trang trải chi phí ở trường học và toàn bộ các gia đình đều đăng ký con cái vào chương trình chăm sóc ban ngày của thị trấn trong kỳ nghỉ Giáng sinh, bao gồm một bữa ăn miễn phí. Năm ngoái, chỉ có một nửa số hộ gia đình đăng ký chương trình này.


“Kể từ năm 2010, các cha mẹ học sinh, khi đó vẫn được xếp vào tầng lớp trung lưu, đã bị trượt xuống tầng lớp nghèo. Chương trình cứu trợ lương thực là cách để đối phó với vấn đề này, nhưng nó không giải quyết được”, bà Albino Almeida, thuộc Hiệp hội phụ huynh quốc gia (CONFAP) nói.


Trong khi một loạt các chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã có hiệu lực từ tháng 1 này, người ta cho rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Năm ngoái Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia thứ ba thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải nhận gói cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế sau khi thương lượng thành công khoản vay 78 tỉ euro từ EU, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).


Ngân sách năm 2013 đã áp đặt một tình trạng khắc khổ chưa từng thấy tại Bồ Đào Nha, bao gồm tăng thuế và giảm mạnh các khoản phúc lợi dành cho người thất nghiệp và người ốm. “Những gia đình gặp khó khăn đang tăng theo cấp số nhân. Chúng ta đang chứng kiến số người trượt vào cảnh nghèo nhiều chưa từng thấy”, bà Almeida nói.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN