Để khắc phục tình trạng bão lũ triền miên gây ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ em tại Bangladesh, một tổ chức phi lợi nhuận đã đưa ra giải pháp: xây dựng trường học nổi.Thư viện trên trường học nổi. |
Vào một buổi sáng nóng nực, trong căn phòng trần thấp dựng bằng tre, có khoảng 20 học sinh lớp 4 ngồi thành hai dãy đang chăm chú đọc sách. Đây là khung cảnh có thể bắt gặp ở bất cứ lớp học nào vùng ngoại ô Bangladesh.
Tuy nhiên không phải bên ngoài trường học nào tại đây cũng có thể nghe thấy tiếng bọt nước òng ọc xung quanh, tiếng bò kêu ùm bò, tiếng be be của dê và tiếng bình bịch của động cơ thuyền máy chạy qua.
Lớp học đặc biệt này được dựng lên trên một chiếc thuyền gỗ neo tại bờ sông gần ngôi làng Nasiar Kandi, thuộc quận Natore, phía Tây Bắc Bangladesh. Đây là một trong số 20 “lớp học nổi” được quản lý bởi Shidhulai Swanirvar Sangstha – một tổ chức phi lợi nhuận đã giúp cho gần 70.000 trẻ em được cắp sách đến trường.
Một học sinh đã nói: "Trường học nổi của chúng em là kết hợp của một ngôi trường và xe buýt". |
Ông Mohamed Rezwan, người sáng lập ra tổ chức này, là một kiến trúc sư sinh ra và lớn lên ở Natore, ông là một trong số ít những người may mắn đã không phải nghỉ học khi mùa mưa tới vì gia đình ông sở hữu một chiếc thuyền.
Ngay từ khi còn đi học, ông đã trăn trở trước cảnh có quá nhiều bạn bè đồng trang lứa không thể đến trường do mưa lũ. Cho đến khi vào đại học, ông chợt nhận ra rằng, nếu học sinh không thể đến trường, thì trường học có thể đến với các em.
Vào năm 1998, Rezwan đã thành lập tổ chức Shidhulai Swanirvar Sangstha chỉ với 500 USD từ tiền tiết kiệm và học bổng của mình. Sau đó vào năm 2002, ý tưởng trường học nổi của ông đã được thực hiện.
Rezwan thiết kế ngôi trường bằng cách cải tiến chiếc thuyền gỗ truyền thống của Bangladesh. Thuyền dài 15m, rộng 3m, với sức chứa 30 học sinh và một giáo viên. Mái thuyền được dựng bằng khung kim loại có thể chịu được những trận mưa lớn. Để xây dựng một lớp học nổi như thế này, ông đã bỏ ra 18.000 USD với khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.
Tổ chức của Rezwan hiện nay có 20 ngôi trường nổi được trang bị thư viện và máy tính có kết nối internet lấy điện từ các tấm pin mặt trời.
Bên cạnh đó Rezwan còn đóng góp xây dựng các trung tâm giáo dục dành cho người lớn và trung tâm y tế, tất cả đều nổi trên mặt nước.
Lớp học trường nổi khá chắc chắn. |
Cô bé Anna Akter 9 tuổi cho biết nếu không có những lớp học trên thuyền như thế này, em đã không thể đến lớp vào mùa lũ. Khushi Khatun cũng vậy, ở trường nổi, em không phải đóng học phí và còn nhận được nhiều tài liệu học tập.
Được biết, nếu không có những ngôi trường như thế này, các em sẽ phải đi bộ 2km dọc theo những con đường lầy lội hoặc đi thuyền trong mưa gió để đến trường. Điều này có thể làm mất đi hứng thú học tập của các em.
Phần lớn các vùng nông thôn của Bangladesh đều chịu ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm, điều này khiến cho nhiều trường học phải đóng cửa. Vào năm 2007, ước tính đã có khoảng 1,5 triệu học sinh không thể đến trường.
Gần 2/3 trong tổng số 160 triệu dân của đất nước Nam Á này sống tại vùng nông thôn. Vào mùa mưa hàng năm, hơn 1/5 diện tích đất liền ngập chìm trong nước. Hơn thế nữa, vào những năm thời tiết khắc nghiệt, hơn một nửa lãnh thổ Bangladesh bị lũ tàn phá.
Vào mùa bão, các trường học ở nông thôn Bangladesh đều đóng cửa. Vì thế, mô hình trường nổi là sáng kiến hữu ích đối với nền giáo dục ở các nước đang phát triển như Bangladesh.
Trường học trên mặt nước không chỉ dành cho trẻ em mà còn giúp những người nông dân biết cách trồng rau nuôi vịt trong “vườn nổi”… Ngoài ra, họ còn được nghe giảng về quyền phụ nữ và trẻ em, về vấn đề dinh dưỡng cũng như sức khỏe và vệ sinh dịch tễ.
Phương pháp trường học nổi này của Rezman cũng đã được một số nước thường xuyên có bão lụt như Campuchia, Nigeria, Philipines, Zambia mô phỏng theo.