Báo Chengdu Business Daily đưa tin cách đây 7 năm, Xiaoli 25 tuổi, sinh sống tại thị trấn Yibin bắt đầu uống thuốc giảm cân, sau khi xem một đoạn quảng cáo về thuốc trên TV. Lúc đó cô nặng hơn 45,3 kg, song cô cảm thấy mình vẫn cần phải giảm thêm ít cân nữa.
Cô gái trẻ này cho biết ban đầu uống thuốc kết quả khá khả quan, tuy nhiên khi cô ngừng uống thuốc, cân nặng của cô không những quay trở về mốc ban đầu mà còn thêm vài kg nữa.
Sau trải nghiệm không mấy tốt đẹp với loại thuốc giảm cân đầu tiên, Xiaoli lại lên mạng và tìm các loại thuốc khác được quảng cáo là hữu hiệu. Tuy nhiên kết quả không khác gì đợt một.
Xiaoli không thể nhớ mình đã uống bao nhiêu loại thuốc khác nhau trong suốt 7 năm qua. Tổng cộng cô đã chi 200.000 NDT (khoảng 30.000 USD) cho các loại thuốc giảm cân khác nhau và thực hiện chế độ ăn kiêng điều chỉnh song kết quả là cân nặng cô nhận được gấp đôi so với ban đầu, lên tới hơn 90 kg.
Cô đã tới bệnh viện Nhân dân Thành Đô và bảo với bác sĩ về tình trạng cơ thể. Cô bày tỏ phẫu thuật là cơ hội duy nhất để giúp cô lấy lại tự tin về vóc dáng.
Xiaoli muốn câu chuyện của mình trở thành bài học cho mọi người nhận ra quảng cáo rất khác thực tế khi nói đến các sản phẩm giảm cân.
Theo các bác sĩ ở bệnh viện Thành Đô, chế độ ăn và các loại thuốc giảm cân là hai nguyên nhân chính khiến Xiaoli tăng cân một cách chóng mặt. Wang Zhong – Phó giám đốc Cục Dinh dưỡng giải thích các loại thuốc giảm cân hoạt động dựa trên cơ chế kiềm chế sự thèm ăn hoặc tăng bài tiết để giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên tác dụng này không ổn định và lâu dài, trong khi đó giảm cân lại là một quá trình cần có thời gian và dần dần để cơ thể thích ứng với những sự thay đổi.