Các mẫu xe của Volkswagen tại Triển lãm ô tô ở Frankfurt, Đức ngày 21/9. |
Cái tên Volkswagen, hãng xe danh tiếng thế giới và là niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô cũng như cả nền kinh tế Đức, đã xuất hiện kín trên các báo Pháp ra ngày 23/9, do bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ phát hiện gắn một phần mềm gian lận tiêu chuẩn khí thải trên xe.
Vụ việc đã thực sự gây lên một "cơn địa chấn" lớn trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô nói chung và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế riêng cho Volkswagen.
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít lớn trang nhất: “Volkswagen, nước Đức trong cơn sốc”. Tờ báo ghi nhận: “Ngôi nhà Volkswagen đang bị cháy. Hãng xe thừa nhận đã lắp phần mềm đánh lừa kiểm tra tiêu chuẩn khí thải vào ít nhất 11 triệu ô tô. Như thế cũng đủ gây nghi ngờ trên khắp châu Âu và các nhà chế tạo ô tô khác”.
Bài xã luận báo Le Monde nhan đề “Volkswagen - một đòn đánh vào châu Âu” đánh giá vụ bê bối này đã làm xấu đi hình ảnh của các nước châu Âu, vốn luôn tự tin cho mình là những người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường chống quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Le Monde cho rằng “Vụ bê bối của Volkswagen không còn là trường hợp cá biệt của ngành sản xuất ô tô Đức”.
Trong khi đó, báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất: “Volkswagen: Đường xuống địa ngục”, trong đó cũng khẳng định vụ lắp phần mềm gian lận tiêu chuẩn khí thải là một cuộc “khủng hoảng lớn chưa từng có". Các cuộc điều tra được tiến hành trên khắp thế giới và hãng ô tô Đức này mất ngay 1/3 giá trị vốn hóa thị trường trong vòng hai ngày (khoảng 30 tỷ euro)”. Theo Le Figaro, "với việc gian lận thông số phát thải ô nhiễm, Volkswagen đang từ một tập đoàn đầy tiếng tăm, làm ăn thịnh vượng bị đẩy đến bên bờ vực". Trước tiên là trên phương diện tài chính, với viễn cảnh hãng sẽ phải mất hàng chục tỷ euro để "chữa cháy". Tiếp đó ở trên bình diện hình ảnh, chắc chắn cũng nghiêm trọng không kém.
Hậu quả vụ Volkswagen đang bắt đầu gây hiệu ứng domino. Giá cổ phiếu của hàng loạt các hãng ô tô lớn của thế giới như PSA (Peugeot), Renault, BMW, Daimler... đều bị giảm mạnh. Kéo theo đó là hàng loạt các nhà sản xuất phụ tùng ô tô cũng bị vạ lây.
Trong khi đó nhật báo Libération nhận thấy, sau vụ việc này, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô thế giới đều bị nghi ngờ lừa đảo. Tờ báo đặt câu hỏi: “Liệu Volkswagen có phải là nhà chế tạo ô tô duy nhất gian lận tiêu chuẩn khí thải?”. Libération cho biết, ngay sau vụ “Dieselgate” bung bét, Hàn Quốc, Đức, Mỹ và Italy đã thông báo mở điều tra trên toàn quốc. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia về ô tô nói: Vụ bê bối đã gây ngờ vực lên toàn bộ ngành công nghiệp ô tô. Các cuộc điều tra sắp diễn ra là rất quan trọng để biết được liệu hiện tượng này chỉ dính đến một nhà sản xuất hay không?
Hệ thống khí thải xử lý các ôxít nitơ (NO), một chất gây ô nhiễm nhưng lại không thể thiếu trong hệ thống phun dầu động cơ diesel hoạt động. Nếu ăn gian chỉ số này thì sẽ có thể tăng lượng tiêu thụ xe từ 2 - 5%. Việc gian lận trong kiểm tra này lại quá đơn giản: Xe được đưa vào quy trình kiểm tra trong vòng 20 phút, trong thời gian đó xe được cho chạy với tốc độ 33km/giờ trên băng chuyền tại chỗ, tức là đi được quãng đường 11km. Tiếp theo sau, một chiếc túi gắn vào ống xả sẽ thu được những thành phần ô nhiễm để đem đi cân đong đo đếm. Các nhà chế tạo của Volkswagen chỉ việc thêm một dòng vào chương trình tính toán là có thể điều chỉnh lượng cấp nhiên liệu cho động cơ để chỉ số phát thải của xe giảm. Sau kiểm tra, động cơ lại được tự hiệu chỉnh về như cũ. Theo Les Echos, nếu chỉ đơn giản vậy thì sẽ là ngạc nhiên khi chỉ có Volkswagen là hãng duy nhất sử dụng cách làm này.
Tác giả bài viết kết luận, cần phải nhanh chóng có các biện pháp kiểm tra phù hợp với thực tế và không chỉ cho xe chạy diesel mà cả xe chạy xăng. Cách làm hiện nay chỉ là hình thức không hiệu quả.