Vụ Volkswagen: Phần mềm nhỏ gây hậu quả lớn

Cái tên Volkswagen (VW), nhà chế tạo danh tiếng thế giới và là niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô cũng như cả nền kinh tế Đức, đã xuất hiện dày đặc trên các trang báo thời gian qua, sau khi bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện xe được gắn một phần mềm gian lận về tiêu chuẩn khí thải.


Vụ việc trên được coi như là một "cơn địa chấn" lớn và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế cho hãng xe này.

Phần mềm “nói dối”

VW đã thừa nhận có khoảng 11 triệu chiếc xe chạy bằng động cơ diesel trên toàn cầu có cài đặt phần mềm gian lận khí thải kể trên. Theo các nhà quản lý, phần mềm đó được sử dụng để phát hiện thời điểm nào xe bị kiểm tra lượng khí thải. Theo đó, xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra, nhưng lại tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường. Do vậy, xe sẽ thải ra liều lượng khí thải quá hạn mức cho phép theo quy định.

Volkswagen đang dính phải một trong những scandal lớn nhất lịch sử của mình.

Cho đến nay Đức đã phát hiện khoảng 2,8 triệu ô tô của VW tại nước này có sử dụng phần mềm khai gian lượng khí thải, trong khi nhà sản xuất ô tô Audi thuộc VW cho biết đã thống kê được 2,1 triệu xe thương hiệu Audi chạy bằng động cơ diesel trên toàn thế giới được trang bị phần mềm gian lận lượng khí thải. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã chỉ đạo Bộ Giao thông nước này phối hợp chặt chẽ cùng VW để có các biện pháp cần thiết làm sáng tỏ vụ việc trong thời gian sớm nhất. Chính quyền Thụy Sỹ đã ra lệnh cấm tạm thời việc mua bán các mẫu ô tô VW mới chạy bằng động cơ diesel có lắp đặt phần mềm gian lận khí thải.

Cơ quan Đường bộ Liên bang Thụy Sỹ cho biết khoảng 180.000 xe ô tô hiệu Audi, Seat, Skoda và các dòng xe khác của VW trong những năm 2009-2014 có thể bị ảnh hưởng vì vụ bê bối trên. Song song với đó, chính quyền Mexico cũng thông báo tiến hành kiểm tra 39.890 xe ô tô chạy bằng động cơ diesel của VW được bán tại thị trường nước này để xác định có phù hợp với các quy định về khí thải hay không. Văn phòng công tố về bảo vệ môi trường (Profepa) của Mexico mới đây đã yêu cầu VW cung cấp thông tin để chứng thực liệu các xe ô tô của họ được bán trong thời gian 2009-2015 có vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường hay không.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha, Jose Manuel Soria, vừa cho biết Chính phủ nước này sẽ yêu cầu chi nhánh SEAT của VW phải hoàn trả khoản trợ cấp đã được nhận để sản xuất các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Ngoài ra, các nước Ấn Độ, Hàn Quốc và Italy cũng ra lệnh điều tra các xe ô tô của VW trên phạm vi toàn quốc sau vụ bê bối trên. Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ việc trên đã gây ngờ vực lên toàn bộ ngành công nghiệp ô tô thế giới và việc thực hiện các cuộc điều tra là rất quan trọng để biết được liệu hiện tượng này chỉ dính đến một nhà sản xuất hay không.

Ngày 23/9, Giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo xe hơi lớn nhất châu Âu VW Martin Winterkorn đã tuyên bố từ chức. Quyết định này được đưa ra ngay sau phiên họp khẩn đặc biệt của hội đồng quản trị của VW tại thành phố Wolfsburg , bang Niedersachsen. Tới ngày 28/9 vừa qua, Văn phòng Công tố thành phố Braunschweig thông báo bắt đầu mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Winterkom về những liên quan của ông đối với vụ bê bối gian lận khí thải trên các mẫu xe VW sử dụng động cơ diesel. Ngoài ông Winterkorn, Volkswagen AG cũng sẽ là đối tượng điều tra với mục đích tìm ra những cá nhân hoặc đơn vị phải chịu trách nhiệm trong vụ gian lận quy mô lớn này.

Hậu quả to lớn

Vụ bê bối gian lận tiêu chuẩn khí thải của VW được xem là sẽ có những tác động tiêu cực tới việc làm trong ngành chế tạo xe ô tô Đức cũng như đối với hình ảnh quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới này. Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), Marcel Fratzscher cho rằng thiệt hại về uy tín của VW sẽ không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Giới truyền thông đánh giá rằng vụ bê bối này đã làm xấu đi hình ảnh của các nước châu Âu, vốn luôn tự tin cho mình là những người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường chống quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Frazscher dự báo cái giá phải cho điều này sẽ là nhiều việc làm bị cắt giảm ở VW cùng các nhà cung cấp linh kiện/phụ tùng cho VW trên toàn cầu, khi nhiều mẫu xe bị tạm dừng bán ra thị trường và quá trình điều tra có thể kéo dài.

Tại Đức, ngành chế tạo xe ô tô và các ngành phụ trợ được xem là “xương sống“ của kinh tế nước này và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Thêm vào đó, hậu quả của vụ Volkswagen còn bắt đầu gây hiệu ứng domino khi khiến giá cổ phiếu của hàng loạt các hãng ô tô lớn của thế giới đều bị giảm mạnh, kéo theo nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô cũng bị "vạ lây".

Năm 2014, Volkswagen bán được gần 600.000 xe tại Mỹ, chiếm khoảng 6% trong tổng số 9,5 triệu xe bán ra trên toàn cầu. Theo ước tính của EPA, Volkswagen có thể bị phạt tới 18 tỷ USD do sử dụng phần mềm khai gian về khí thải này. Mức phạt này còn lớn hơn cả toàn bộ lợi nhuận hoạt động của VW trong năm 2014. EPA cũng yêu cầu VW phải khẩn trương khắc phục 482.000 xe được sản xuất trong vòng 6 năm qua, trong đó bao gồm xe VW Jetta, Beetle, Golf và Audi A3. Như vậy, riêng chi phí Volkswagen phải bỏ ra để thu hồi số xe này để phục vụ kiểm tra và sửa chữa dự kiến có thể lên tới 6,5 tỷ euro.

"Vận đen" vẫn chưa chịu buông tha cho VW khi một hãng luật của Mỹ đang chuẩn bị đệ đơn kiện hãng lên Tòa án Virginia . Hãng luật trên đại diện cho quyền lợi của những người đã mua chứng chỉ lưu ký (ADR) tại Mỹ của VW trong 5 năm qua, sau khi cổ phiếu của VW gần đây rớt giá. Thông tin trên được đưa ra sau khi số đơn kiện của người sở hữu xe VW gia tăng tại Mỹ. VW có thể sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tương tự ở các nước khác, một động thái có thể cản trở nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của hãng trên toàn cầu.

Đối mặt với tình hình trên, thái độ của VW khá hợp tác. Trong cuộc họp kín với 1.000 giám đốc và quản lý các chi nhánh của VW tại trụ sở ở Wolfsburg vào ngày 28/9, tân Giám đốc điều hành VW Matthias Mueller, cho biết VW đang gấp rút hoàn thành bản kế hoạch để trình lên các cơ quan chức năng về việc thay thế toàn bộ những phần mềm gian lận lượng khí thải cho khoảng 11 triệu sản phẩm của VW bằng những phần mềm đạt chuẩn. Các nhà phân tích ước tính động thái trên sẽ khiến VW mất tổng chi phí lên tới 6,5 tỷ USD. Dự kiến, trong tháng 10/2015, VW sẽ trình kế hoạch sửa chữa lỗi kỹ thuật nói trên lên các cơ quan chức năng.

VW là hãng sản xuất xe ô tô lớn nhất của Đức và là một trong ba nhà chế tạo xe ô tô lớn nhất của thế giới, cùng với General Motors của Mỹ và Toyota của Nhật Bản. VW sản xuất các thương hiệu xe VW, Audi, SEAT, Skoda, MAN và một số thương hiệu hạng sang như Porsche, Bugatti.

Minh Trang (Tổng hợp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN