Tại Ngôi nhà tinh thần cho người già đau yếu, bà Leong Liu Kie, 71 tuổi, không phải là bệnh nhân mà là giám đốc của trung tâm từ thiện này. 24/24 giờ, nữ y tá Leong tất bật với việc chăm sóc những bệnh nhân cao tuổi, có người đã trên 100 tuổi.
Bà Leong Liu Kie và các y tá đang chăm sóc một bệnh nhân cao tuổi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đó là một trong nhiều biểu hiện về sự nở rộ các dịch vụ dành cho người cao tuổi ở Xinhgapo – quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số nhanh chóng.
Cơ cấu dân số của Xinhgapo đang có sự thay đổi lớn do tỉ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Theo dự đoán của cơ quan chức năng, đến năm 2030, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% dân số Xinhgapo.
Một số quốc gia và khu vực giàu có khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Công (Trung Quốc) cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dẫn kết quả một cuộc điều tra của Liên hợp quốc cho biết, ước tính vào năm 2050, châu Á sẽ có 859 triệu công dân từ 65 tuổi trở lên, tăng mạnh so với mức 269 triệu người năm 2010.
Thực tế trên đã dẫn đến sự phát triển các dịch vụ phục vụ người cao tuổi, từ thuê người giúp việc nước ngoài, thiết kế những ngôi nhà thuận tiện cho xe lăn đến phát triển các thiết bị kỹ thuật cao để kịp thời giúp đỡ người già trong những trường hợp khẩn cấp. Theo tính toán của Xperiential Events, một công ty Xinhgapo chuyên tổ chức hội chợ các ngành kinh doanh phục vụ người cao tuổi, tiêu dùng của những người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á có thể đạt 1.900 tỉ USD vào năm 2015.
Tại Xinhgapo, chính phủ đã xây dựng kế hoạch mở rộng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Người phát ngôn của Bộ Y tế Xinhgapo cho hãng tin AFP (Pháp) biết trong 10 năm tới, Bộ sẽ tăng thêm 60% khả năng phục vụ của các nhà dưỡng lão, lên 15.000 giường. Hiện nay, trên cả nước có 63 nhà dưỡng lão với 9.300 giường, do các công ty tư nhân và tổ chức từ thiện điều hành.
Một nhà dưỡng lão ở Xinhgapo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ năm 1999, Ủy ban phát triển nhà ở (HDB) của chính phủ Xinhgapo đã cho xây dựng hai kiểu căn hộ dành cho người già ở một số vùng ngoại ô. Những căn nhà này có những đặc trưng riêng như: Cửa dốc cho xe lăn, công tắc điện to, có những thanh cầm tay chắc chắn trong nhà vệ sinh và hệ thống gọi giúp đỡ khẩn cấp. Nằm gần các cơ sở cung cấp những dịch vụ cần thiết như phòng khám bệnh, siêu thị, trung tâm hoạt động cho người già và điểm đỗ xe buýt, những căn hộ này cho phép người già có thể tự chăm sóc mình mà không bị tách rời xã hội. Hiện đã có 1.800 căn hộ như vậy được hoàn thiện và 2.700 căn hộ khác sẽ được xây dựng trong 3 năm tới.
Bên cạnh đó, một số công ty đã sản xuất những chiếc chuông báo động giúp những người già sống đơn độc có thể tìm kiếm sự giúp đỡ trong những lúc cần thiết.
Kelvin Lek, người sáng lập ra trung tâm Active Medical, đã mua một chiếc “dây truyền khẩn cấp” từ Mỹ cho người bà của vợ sau khi bà bị đột quỵ khi đang ở nhà một mình hồi năm 1998. Với thiết bị nhỏ có tên gọi báo động điện tử (eAlert) luôn được đeo trên cổ, những người già chỉ cần ấn vào chiếc nút trên đó để gọi đến một trung tâm đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp. Trung tâm này cũng sẽ truy cập vào hồ sơ bệnh án, liên lạc với người thân, bác sĩ và nhanh chóng cử người đến giúp đỡ.
“Thiết bị này đem lại sự yên tâm cho con cháu của những người già. Mỗi khi đi làm hay đi du lịch, họ không còn lo lắng về sự an toàn của các bậc cao niên trong gia đình”, Lek khẳng định.
Lê Hải