Sinh viên trao đổi với Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân. |
Tại triển lãm, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng khoảng 700 hiện vật quý hiếm, từ quả "Bom Vua" nhiệt hạch AH602 sức công phá khoảng 58 mega tấn TNT - lá chắn hạt nhân của Nga, cho tới các tàu ngầm, tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử, hay mô hình những lò phản ứng hạt nhân hiện đại nhất của Nga hiện nay.
Tuy nhiên, một trong những sự kiện thú vị nhất của triển lãm có lẽ là cuộc gặp gỡ cởi mở giữa 3 chuyên gia hàng đầu trong ngành hạt nhân Việt Nam - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (giai đoạn 1988-1995); Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, nguyên Cục trưởng Cục an toàn hạt nhân và phóng xạ Việt Nam, và nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt Nguyễn Thanh Bình (1998-2015), với các học sinh Việt Nam đang theo học chuyên ngành hạt nhân tại Đại học Nghiễn cứu hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI).
Trong cuộc đối thoại này, các sinh viên trẻ Việt Nam đưa ra nhiều câu hỏi cụ thể và thiết thực, ví dụ như phải làm gì sau khi ra trường mà Việt Nam chưa xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân, khi ra trường có việc làm tại Việt Nam hay không, hay liệu những người làm việc trong ngành hạt nhân có bị vô sinh hay không...
Giải đáp các câu hỏi, 3 nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Việt Nam cho rằng hiện các sinh viên vô cùng may mắn vì được theo học trường hạt nhân danh tiếng của Nga bởi trước đây Liên Xô cũ không đào tạo cho người nước ngoài về công nghệ vận hành hay ứng dụng hạt nhân, trong khi đến thời điểm này đã có gần 300 sinh viên Việt Nam theo học các ngành về hạt nhân mà trước đây những người đi trước không thể tiếp cận và đây chính là cơ hội tuyệt vời cho các sinh viên Việt Nam trẻ.
Sinh viên trao đổi với nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt Nguyễn Thanh Bình. |
Cả ba nhà khoa học đều nhấn mạnh tới yếu tố sống còn "con người" trong quá trình vận hành và sử dụng hạt nhân vì mục địch hòa bình và bày tỏ vui mừng vì nước Nga vĩ đại đang đào tạo cho Việt Nam những chuyên gia năng lượng hạt nhân đầu tiên.
Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân vui mừng thông báo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chọn công nghệ VVER 200 AES 2006/V491 của Nga cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước nhà. Ông quả quyết: "Đào tạo để có kiến thức và văn hóa an toàn hạt nhân là vô cùng quan trọng. Phải quán triệt được điểm cốt yếu nhất là đảm bảo an toàn hạt nhân trong vận hành các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải là người Việt Nam và đó chính là thách thức vô cùng to lớn với các bạn".
Về phần mình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt Nguyễn Thanh Bình lại giải đáp vấn đề sinh viên đặt ra theo phương pháp qui nạp, Theo ông, "Đối với Việt Nam nhà máy điện hạt nhân có mấy ý nghĩa, thứ nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, thứ 2 là chúng ta cũng đóng góp với thế giới trong việc giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Và điều thứ 3 rất quan trọng, đưa điện hạt nhân vào là công nghệ rất cao, cho nên nó sẽ thúc đẩy phát triển các công nghệ khác, đặc biệt là chúng ta chủ trương nội địa hóa điện hạt nhân cho nên nó sẽ kích thích phát triển các công nghệ phụ trợ".
Tổng Giám đốc Rosatom, Sergey Kiriyenko trao kỷ niệm chương cho Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh. |
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt còn gửi tới các bạn sinh viên trẻ những vần thơ ca ngợi nước Nga tươi đẹp cũng như tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Cũng nhân sự kiện này, tối 23/9 tại khách sạn "Xô viết" ở thủ đô Moskva Tổng công ty Năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) đã tổ chức Lễ trao kỷ niệm chương cho 30 chuyên gia của Nga và nước ngoài vì những đóng góp to lớn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong đó có 3 cây đại thụ hạt nhân của Việt Nam.
Đích thân Tổng giám đốc Rosatom, ông Sergey Kiriyenko đã trao tặng kỷ niệm chương đầu ý nghĩa cho các ông Ngô Đặng Nhân, Nguyễn Mộng Sinh, và Nguyễn Thanh Bình. Ba công dân Việt Nam được trao tặng kỷ niệm chương đều tốt nghiệp các trường đại học thuộc Liên Xô trước đây và có thời gian dài công tác trong lĩnh vực hạt nhân, với những đóng góp to lớn trong việc phát triển quan hệ hợp tác hạt nhân Nga-Việt, cũng như ngành hạt nhân Việt Nam.