Ít ai biết rằng cậu bé Gao Rixiao ngày nào đầy thất vọng vì bị câm điếc lại chính là một cầu thủ khuyết tật đầy tài năng sau này. Không những vậy, anh hiện là trợ lý huấn luyện viên của một đội bóng đá với thành viên là những người câm điếc ở thành phố Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.
Gao, hiện đã 40 tuổi, kể lại anh đã từng cảm thấy bi quan và chán nản về thể chất của mình. Nhưng niềm đam mê bóng đá và sự đồng hành của gia đình và bạn bè, anh đã bỏ lại phía sau những ngày u ám và bắt đầu tràn đầy hy vọng trong cuộc sống. Anh chia sẻ: "Tôi muốn niềm đam mê với trái bóng tròn kéo dài mãi mãi. Tôi hạnh phúc và hài lòng với hiện tại".
Gao đã mất khả năng nghe và nói khi ở tuổi lên hai sau một trận sốt cao và điều trị không đúng cách. Đối với cậu bé này, việc không thể nghe thấy ai nói gì và không thể nói với ai là quá sức chịu đựng. Gao kể: "Tôi thấy ghét bản thân mình, tôi ghét cha mẹ mình. Tôi thấy mình bất hạnh và muốn được yêu thương, được chăm sóc".
Năm 1994, Gao đã xem một trận bóng đá trên truyền hình tại ngôi trường đặc biệt mà cậu đang học. Khi đó, cậu chưa biết bóng đá là gì nhưng đã cảm thấy say mê. Cậu đã rủ các bạn cũng khuyết tật như mình chơi bóng đá cùng nhưng thất bại. Gao kể: "Bố mẹ tôi lo lắng rằng tôi có thể cảm thấy tổn thương, nhưng họ lại thấy tôi cười rất nhiều và cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình đã từng ở trong một chiếc hộp, nhưng bóng đá đã mở nắp hộp và cho phép ánh sáng tràn vào".
Sau khi tốt nghiệp năm 2000, Gao trở thành một nhân viên vệ sinh dịch tễ, phụ trách một khu phố ở Hải Khẩu. Nhưng niềm đam mê bóng đá chưa bao giờ nguội lạnh. Năm 2003, một đội bóng cấp tỉnh dành cho người câm điếc đã được thành lập, thu hút nhiều cầu thủ đặc biệt như Gao. Thứ Hai hằng tuần, Gao và các thành viên đội bóng cùng đến tập luyện tại một sân bóng. Với họ, bóng đá là một sân khấu để thể hiện năng lực của mình, giống như một chiếc cầu kết nối người câm điếc với người khác trong xã hội.
Gao cho biết: "Chúng tôi không thể hát hoặc nói chuyện như những người khác, nhưng chơi bóng đá cho thấy chúng tôi cũng giống như mọi người trong xã hội. Đó là cách để chúng tôi kết bạn, vui chơi và có nhiều niềm vui trong cuộc sống".
Năm nay, đội bóng của Gao đã đại diện tỉnh Hải Nam tham gia Giải Bóng đá quốc gia dành cho người khuyết tật và được xếp thứ 7. Gao chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào và hạnh phúc".
Bóng đá có thể là một phần cuộc sống của Gao nhưng không phải là tất cả. Anh hiện làm việc tại một văn phòng quản lý bất động sản ở Hải Khẩu và chịu trách nhiệm chấm công, làm slogan và banner cho các hội thảo, trông coi nhà kho. Anh rất khéo tay trong việc cắt giấy và thích làm banner bằng tay.
Trong những lúc rảnh rỗi, Gao còn học về khoa học máy tính và thúc đẩy việc học ngôn ngữ dấu hiệu ở Hải Nam để giúp nhiều người khuyết tật hơn nữa thích nghi với xã hội. Tháng 5/2008, Gao đã được bầu làm chủ tịch hiệp hội người khiếm thính của tỉnh.
Để hỗ trợ những người như Gao, Liên đoàn Người khuyết tật tỉnh Hải Nam đã tổ chức các trại huấn luyện bóng đá hằng năm và cung cấp cho các cầu thủ sân bóng và trang thiết bị cần thiết. Liên đoàn cũng dành các quỹ đặc biệt cho vận động viên khuyết tật để trang trải chi phí đi lại, ăn ở và bảo hiểm y tế trong thời gian diễn ra các sự kiện thể thao.
Theo một kế hoạch nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật, được Quốc vụ viện thông qua hồi tháng 7, trong giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho việc đổi mới khoa học và công nghệ, đồng thời phát triển tài năng để chăm sóc và hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật.
Gao cho biết: "Khuyết tật về cơ thể không phải là điều tồi tệ, nếu bạn còn có trái tim lạc quan. Nếu bạn đương đầu với mọi thứ với tinh thần lạc quan, mọi chuyện sẽ tốt đẹp." Trong tương lai, Gao có kế hoạch dẫn dắt đội bóng tham gia nhiều sự kiện thể thao hơn để giúp các cầu thủ câm điếc "trải nghiệm thế giới rộng lớn".