Theo báo cáo của UEFA, khoản thiệt hại nêu trên bao gồm khoảng 4 tỷ euro từ tiền bán vé vào sân xem thi đấu, 2,7 tỷ euro tiền tài trợ và 1,4 tỷ euro doanh thu từ bản quyền phát sóng. Việc lợi nhuận sụt giảm đã khiến các câu lạc bộ phải tiết kiệm "hầu bao" trong các giao dịch chuyển nhượng. Giá trị các giao dịch chuyển nhượng trong tháng 1/2021 giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2020 cũng giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Các câu lạc bộ Anh đóng góp 43% giá trị chuyển nhượng trên toàn cầu, trong đó Premier League là giải đấu chi tiêu nhiều nhất trong mùa bóng 2020-2021 với hơn 1,8 tỷ euro.
UEFA cho biết những sự cải cách của cơ quan này về công bằng tài chính là cần thiết và phí chuyển nhượng cũng như tiền lương dành cho cầu thủ "phải được giảm xuống mức có thể chấp nhận được".
Báo cáo cũng chỉ trích kế hoạch thành lập giải đấu European Super League của một số câu lạc bộ hàng đầu châu lục, cho rằng điều này sẽ có "tác động tàn phá đối với bóng đá châu Âu, xét cả về góc độ thể thao, tình cảm và tài chính".
Việc thành lập giải European Super League đã được 12 câu lạc bộ hàng đầu châu Âu công bố hồi tháng trước. Tuy nhiên, dự án này đã nhanh chóng "phá sản" chỉ 48 giờ sau khi công bố do vấp phải những phản ứng dữ dội từ người hâm mộ, các cơ quan quản lý bóng đá và giới chính khách.
Các câu lạc bộ sáng lập European Super League lập luận rằng giải đấu mới này sẽ giúp tăng doanh thu cho các câu lạc bộ hàng đầu ở châu Âu. Tuy nhiên, báo cáo của UEFA nhấn mạnh rằng: "Việc phục hồi và tăng trưởng tài chính đòi hỏi một quá trình kỷ luật về tài chính, quản lý cẩn trọng và lập kế hoạch dài hạn. Bóng đá châu Âu chỉ có thể tiếp tục phát triển nếu tôn trọng cơ cấu hoạt động, các nguyên tắc thăng hạng và xuống hạng dựa trên thành tích thể thao".