Ngoại hạng Anh bước vào cuộc chiến phân chia tiền bản quyền truyền hình

20 CLB thi đấu tại Ngoại hạng Anh (Premier League) đã có cuộc gặp gỡ ngay đầu tháng 10 để giải quyết vấn đề phân chia bản quyền truyền hình. Mâu thuẫn nảy sinh khi các CLB lớn muốn hưởng khoản thu nhập khủng từ các hợp đồng bản quyền truyền hình quốc tế.

Ngoại hạng Anh là giải đấu thành công về mặt thương mại bậc nhất thế giới. Nhờ đó, doanh thu từ bản quyền truyền hình quốc tế là rất lớn.

Về cơ bản, các nhà điều hành Ngoại hạng Anh vẫn chia đều khoản lợi nhuận này cho các CLB. Ở mùa giải năm ngoái, mỗi CLB được nhận khoảng 51,7 triệu USD từ các hợp đồng truyền hình trên toàn thế giới.

Ngoại hạng Anh là giải đấu thành công về mặt thương mại bậc nhất thế giới. Ảnh : Reuters

Tuy nhiên, báo chí Anh vừa tiết lộ kế hoạch phân chia doanh thu truyền hình quốc tế mới của Ngoại hạng Anh, trong đó 35% số tiền sẽ được chia dựa trên thứ hạng của các CLB hay còn được gọi là khoản chi theo thành tích.

Với số tiền còn lại, nếu có thay đổi thì chỉ 14 CLB (2/3 số CLB tham dự Ngoại hạng Anh) là có quyền biểu quyết. Các đội bóng nhỏ còn lại buộc phải tuân theo.

Những rắc rối về việc phân chia tiền bản quyền truyền hình đã được đặt ra từ nhiều năm kể từ khi cựu CEO của CLB Liverpool Ian Ayre cùng một số CLB dẫn đầu khác cho rằng mình hoàn toàn có thể tự bán bản quyền truyền hình của CLB dựa trên khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của họ. Việc tự bán bản quyền truyền hình mang lại số tiền lớn hơn việc nhận khoản chia của Ngoại hạng Anh hiện nay rất nhiều.
 
Các CLB nhỏ ngay lập tức bày tỏ lo ngại về khả năng “miếng bánh ngon bị bé đi”. Giám đốc CLB Burnley, ông Sean Dyche cho rằng việc giảm bớt nguồn thu cho các CLB nhỏ là một sai lầm. Chính tính cạnh tranh đã tạo ra những bất ngờ như Leicester vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2015-2016.

Ngoại hạng Anh là miếng bánh béo bở của các hãng truyền hình. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích về kinh tế, chính sự phân chia gần đến mức đều tiền bản quyền giúp Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu có tính cạnh tranh và hấp dẫn bậc nhất châu Âu.


Theo những phân tích này, sự phân chia bằng nhau tương đối này giúp cho các CLB nhỏ có tiền đầu tư vào thị trường chuyển nhượng để cạnh tranh một vị trí trong tốp 6. Nhờ đó, Ngoại hạng Anh có được những trận đấu hay ngay cả khi một đội bóng nhỏ gặp đội đứng đầu bảng xếp hạng. Đó chính là lý do mà các công ty truyền thông chấp nhận chi trả khoản tiền bản quyền truyền hình lớn.

Trên thực tế, doanh thu từ bản quyền truyền hình được chia đều một cách tương đối cho các CLB, các CLB lớn đương nhiên vẫn được nhận phần hơn. Theo số liệu từ mùa giải trước, khoảng 935 triệu USD được chia đều cho các CLB. Số còn lại vào khoảng 1,08 tỷ USD sẽ được chia vào tiền cơ sở vật chất dựa trên số lần xuất hiện trên truyền hình của một đội bóng. Đó là chưa kể số tiền các đội bóng lớn nhận được dựa trên vị trí của CLB ở cuối mùa giải.

Với cách tính này, đương kim vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2017 nhận được gần 200 triệu USD trong khi đội bóng cuối bảng xếp hạng Sunderland chỉ nhận được 120 triệu USD.

Minh Đăng/Báo Tin Tức
La Liga cố mãi không rút ngắn được khoảng cách doanh thu với Ngoại hạng Anh
La Liga cố mãi không rút ngắn được khoảng cách doanh thu với Ngoại hạng Anh

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha Javier Tebas ra nghị quyết: Đến năm 2020 rút ngắn khoảng cách về sức mạnh tài chính với Ngoại hạng Anh. Từ nhiều năm nay, người Tây Ban Nha hạ quyết tâm mà mãi vẫn chưa thể thỏa nguyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN