Phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo ngày 3/6, ông Hashimoto nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch, vì vậy hãy yên tâm khi đến Nhật Bản. Ban tổ chức sẽ bảo vệ sức khỏe của tất cả các vận động viên".
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkan Sports được đăng tải cùng ngày, ông Hashimoto cũng loại bỏ khả năng hủy hoặc tiếp tục hoãn tổ chức thế vận hội Olympic Tokyo. Ông khẳng định: "Không thể trì hoãn một lần nữa", trong bối cảnh các chuyên gia y tế và chính quyền các thành phố đăng cai vẫn bày tỏ nghi ngờ xung quanh việc liệu có thể tổ chức sự kiện thể thao này an toàn hay không khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo kế hoạch, thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo sẽ đón tiếp 15.000 vận động viên.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Nhật Bản cho thấy đa số người dân muốn hủy hoặc hoãn thế vận hội vì đại dịch. Nhiều thành phố và thị trấn dự kiến đăng cai tổ chức sự kiện này cũng bày tỏ lo ngại về khả năng du khách sẽ làm lây lan các biến thể của virus và làm suy yếu các nguồn lực y tế.
Phát biểu tại Ủy ban Quốc hội ngày 2/6, cố vấn y tế hàng đầu của Nhật Bản Shigeru Omi nhận định việc tổ chức thế vận hội trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm hiện nay là “không bình thường”.
Trong khi đó, do lo ngại dịch bệnh COVID-19, gần 10.000 tình nguyện viên trong số 80.000 người đăng ký phục vụ tại các địa điểm thi đấu và làng vận động viên đã thông báo rút khỏi sự kiện này. Tuy nhiên, ông Toshiro Muto - Giám đốc điều hành Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, đánh giá việc các tình nguyện viên rút lui không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức sự kiện vì quy mô của các sự kiện này đã bị cắt giảm để hạn chế nguy cơ lây lan dịch và tiết kiệm chi phí.
Nhằm đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao thế giới này, Nhật Bản cũng đã quyết định cấm các cổ động viên nước ngoài đến dự và đang xem xét khả năng đưa ra quyết định tương tự đối với cổ động viên người Nhật Bản.
Nhật Bản đang ứng phó với làn sóng dịch thứ 4 khi chỉ còn 8 tuần nữa là khai mạc thế vận hội. Hiện có 10 tỉnh, thành, bao gồm cả thủ đô Tokyo, đang trong tình trạng khẩn cấp đến ngày 20/6, trong khi nước này bị đánh giá là chậm chân trong việc triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.