Logo mới của Inter
Inter đã cải tiến hình ảnh của mình để phù hợp với thời đại kỹ thuật số, để tiếp cận tới số đông khán giả với các nhóm tuổi khác nhau, đồng thời thiết lập CLB như một biểu tượng thể thao và văn hóa. Mục đích của CLB là làm cho thương hiệu Inter trở nên dễ nhận biết và cho phép đối tượng người hâm mộ trẻ trên toàn cầu tiếp cận các giá trị của sự hòa nhập, phong cách và sự đổi mới vốn là đặc trưng của Inter kể từ khi thành lập.
Sự thay đổi lấy cảm hứng từ giá trị cội nguồn của CLB, sự bảo tồn tinh thần lịch sử và cảm xúc của những người ủng hộ trung thành nhất, đồng thời nhấn mạnh mối liên kết với thành phố Milan. Logo mới tái hiện biểu tượng lịch sử và hiện đại của CLB, theo một cách tinh giản và tối giản hơn. Trong khi vẫn duy trì tính kết nối với phiên bản gốc, biểu tượng mới phù hợp hơn với thời đại giải trí.
So với phiên bản cũ, logo mới của Inter Milan đã trở nên tối giản hơn, chỉ với 2 chữ cái “I” và “M” lồng vào nhau (logo cũ là sự kết hợp của 4 chữ cái “F”, “C”, “I”, “M”). Logo mới có màu trắng chủ đạo với hai màu đen và xanh truyền thống đặc trưng, xây dựng thiết kế xung quanh các chữ cái “I” và “M” cách điệu.
“Nhiệm vụ thiết kế logo mới đã được giao cho Bureau Borsche, studio thiết kế đồ họa hàng đầu thế giới”, tuyên bố của Inter giải thích thêm.
Dù tin tức về việc Inter thay đổi logo đã xuất hiện từ nhiều tháng qua nhưng tới khi chính thức được công bố, nó vẫn gây xôn xao dư luận, đặc biệt là cộng đồng fan đội bóng. Có nhiều ý kiến không hài lòng với sự đổi mới này. Một số còn so sánh logo mới của Inter với logo của hãng xe Volkswagen.
Những thay đổi gây rùm beng
Inter Milan không phải là CLB thể thao đầu tiên thay đổi nhận diện thương hiệu.
Năm 2018, Leeds United lên ý tưởng về một logo kết nối các cầu thủ trên sân với lượng người hâm mộ trung thành với đội chủ sân Elland Road trên toàn thế giới. Họ quyết định đổi logo cũ của CLB, thay bằng hình ảnh người hâm mộ đặt tay phải lên trái tim. Hơn 10.000 người kết nối với Leeds United đã được tham khảo ý kiến trong quá trình thiết kế logo mới.
Nhưng phải đến khi chính thức ra mắt, nó mới cho thấy đó là một sai lầm lớn. Logo của Leeds trở thành đề tài bị chế giễu. Nhiều người hâm mộ bất bình đã kêu gọi ký tên đề nghị xóa bỏ logo. 70.000 người đã tham gia ký tên. Logo thảm họa này sau đó biến mất như một lẽ tất yếu nhưng nó vẫn để lại vết tích trong câu chuyện huy hiệu của CLB.
Wimbledon FC là một trường hợp điển hình khác. Trong lịch sử tồn tại cho đến khi bóng đá Anh bước vào kỷ nguyên Premier League (1992), Wimbledon FC là đội bóng tầm trung ở thủ đô London. Thành tích lớn nhất Wimbledon FC có được là vô địch giải FA Cup 1988 khi thắng Liverpool 1-0 trong trận chung kết.
Năm 2000, Wimbledon FC rớt hạng từ Premier League xuống Championship. Năm 2002, Wimbledon từ Championship phải xuống chơi ở League One. Việc liên tiếp xuống hạng và phải chia sẻ sân bóng với Crystal Palace khiến Wimbledon FC đứng trên bờ vực phá sản. Lãnh đạo CLB đã quyết định chuyển đội bóng sang địa điểm mới cách chỗ cũ 90 km về phía Bắc thuộc Milton Keynes - vùng dân cư duy nhất ở Anh chưa có một CLB chuyên nghiệp. Tên của Wimbledon FC được đổi thành Milton Keynes Dons (MK Dons). MK Dons bị báo chí gọi là “Franchise FC” (CLB mua lại thương hiệu).
Sự thay đổi này đã vấp phải làn sóng phản đối của lực lượng CĐV trung thành với Wimbledon FC. Không thể thay đổi được tình thế, họ đã tự thành lập đội bóng mới lấy tên AFC Wimbledon như một cách để duy trì sự tồn tại của cái tên “Wimbledon”.
AFC Wimbledon bắt đầu từ “số 0”, ngụp lặn ở các giải hạng dưới trước khi giành quyền lên chơi ở League One. Trong khi đó, Milton Keynes lại được kế thừa chính thức về mặt pháp lý cùng suất chơi ở League One kể từ khi đổi tên.