SEA Games 31 là đại hội thể thao cho các vận động viên 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á tham gia tranh tài để giành thành tích cao nhất, tỏa sáng những gương mặt tài năng. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều phóng viên báo chí của các nước đến tác nghiệp, kịp thời đưa những hình ảnh sống động, những dòng tin nóng hổi nhất về diễn biến từng trận đấu, từng nội dung thi đấu, đưa không khí sôi trào nhiệt huyết tại đại hội đến đông đảo người hâm mộ thể thao trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để các nhà báo tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, truyền tải hình ảnh Việt Nam thân thiện, hiếu khách đến bạn bè khu vực và thế giới.
Hỗ trợ tốt nhất cho phóng viên
Theo Ban tổ chức SEA Games 31, Trung tâm báo chí, Trung tâm truyền hình quốc tế có khả năng phục vụ khoảng 600 phóng viên trong và nước ngoài làm việc cùng lúc. Trong đó, Trung tâm báo chí có đầy đủ các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu tác nghiệp, sản xuất tin, bài của phóng viên trong nước và quốc tế. Ban Tổ chức đã bố trí 40 bàn với 40 máy tính laptop kết nối internet, hệ thống tai nghe phiên dịch 6 kênh. Bên cạnh đó, còn có hệ thống 6 màn hình nhỏ và 2 màn hình lớn xung quanh, truyền hình trực tiếp các môn thi đấu. Các nút mạng internet tốc độ cao kết nối máy tính của phóng viên, hệ thống phát sóng wifi, 5G cũng được triển khai đồng bộ...
Hàng ngày, trên bảng tác nghiệp của các phóng viên đều có bản tin SEA Games 31 bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Báo Vietnam News; Thể thao & Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng được phát miễn phí để các phóng viên tham khảo.
Có mặt tại Trung tâm Báo chí sáng 13/5 để chuẩn bị theo dõi thi đấu bộ môn Thể thao điện tử của SEA Games 31, phóng viên Phan Cao Thắng của báo Ấp Bắc (Tiền Giang) cho biết: Đây là lần đầu tiên anh tham gia tác nghiệp “đơn thương độc mã” tại một sự kiện lớn tầm cỡ khu vực như SEA Games 31, nên còn nhiều bỡ ngỡ. Là phóng viên địa phương, các sự kiện anh tham gia đưa tin chủ yếu ở phạm vi của tỉnh Tiền Giang, thỉnh thoảng tham dự sự kiện bên ngoài, nhưng thường đi theo đoàn. Lần này, một mình đi tác nghiệp ở xa và tại một sự kiện lớn, không có anh em đồng nghiệp hỗ trợ nên anh vất vả hơn các đồng nghiệp ở Hà Nội. Anh phải nỗ lực, chủ động từ việc nhận thẻ tác nghiệp, liên hệ đầu mối với cơ quan truyền thông, tìm kiếm nơi ăn chốn ở cũng như địa điểm thi đấu, di chuyển giữa các địa điểm…
Rất may mắn là anh Phan Cao Thắng đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của anh em đồng nghiệp ở Hà Nội nên cũng nhanh chóng bắt kịp với guồng quay của sự kiện, tác nghiệp cũng thuận lợi hơn nhiều. Anh rất hài lòng với điều kiện tác nghiệp cho phóng viên tại Trung tâm báo chí với máy tính kết nối mạng tốc độ cao, các màn hình ti vi trực tiếp cho phép anh theo dõi nhiều môn thi đấu cùng lúc. Các bạn tình nguyện viên cũng nhiệt tình giúp đỡ phóng viên khi cần thiết.
Cũng trong sáng 13/5, ông Chea Vannak, Trưởng ban biên tập Tin đối ngoại của Hãng thông tấn Campuchia (AKP) đã tới tham quan, khảo sát kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Trung tâm báo chí và Trung tâm truyền hình quốc tế, chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ của hãng thông tấn chủ nhà khi Campuchia tổ chức SEA Games 32. Ông Chea Vannak cho biết đã theo dõi lễ khai mạc SEA Games 31 và rất ấn tượng với công tác tổ chức tỉ mỉ, công phu, đầy sáng tạo của nước chủ nhà Việt Nam. Phần trình diễn nghệ thuật không chỉ làm nổi bật bản sắc văn hóa của Việt Nam mà còn toát lên được tinh thần đoàn kết, chung tay đóng góp của toàn ASEAN “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Theo đánh giá của ông Chea Vannak: Trung tâm báo chí được trang bị hiện đại, đầy đủ thiết bị phục vụ tác nghiệp cho phóng viên các loại hình báo chí. Hãng Thông tấn Campuchia (AKP) sẽ nỗ lực học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí quốc tế tác nghiệp tại SEA Games 32.
Ông Chea Vannak đã 2 lần đến Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên ông đến Hà Nội, trước đó là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ông nhận thấy con người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở và hiếu khách. Ngoài Hà Nội, ông cũng đã tới Hải Phòng, nơi diễn ra môn thi đua thuyền SEA Games 31.
Còn ông Elmi Rizal Bin Elias, biên tập viên Hãng thông tấn Quốc gia Malaysia (BERNAMA) cho biết, nhóm phóng viên Malaysia tham dự đưa tin về SEA Games có khoảng 30 người. Bản thân ông đã đến Việt Nam từ ngày 10/5, hàng ngày sẽ sử dụng Grab để di chuyển đến các địa điểm thi đấu. Căn cứ vào lịch thi đấu, các phóng viên của Hãng thông tấn Quốc gia Malaysia sẽ có mặt các địa điểm để đưa tin. Ông Elmi Rizal Bin Elias chia sẻ: Điều kiện tác nghiệp ở Việt Nam khá tốt, có trung tâm báo chí thuận tiện cho phóng viên gửi tin, bài, hỏi thông tin cần thiết. Công tác an ninh được tổ chức chặt chẽ...
Chung tay để SEA Games 31 thành công
Lực lượng tình nguyện viên cũng có mặt đông đảo tại Trung tâm Báo chí để hỗ trợ Ban Tổ chức. Em Bùi Thị Hồng Ngọc, sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội đã được lựa chọn làm tình nguyện viên tại Trung tâm báo chí SEA Games lần này cùng 10 bạn khác. Các em sẽ thực hiện công việc được giao trong thời gian 1 tháng. Hồng Ngọc và các bạn đều được trang bị đồng phục gồm áo, mũ, giầy, ba lo; được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm tham gia sự kiện quốc tế. Em và các bạn rất vinh dự và tự hào khi được lựa chọn vào đội tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31, cống hiến một phần vào thành công chung của đất nước ở sự kiện tầm khu vực.
Hàng ngày, Hồng Ngọc cùng các bạn tình nguyện viên khác phát thẻ, nhập dữ liệu; hướng dẫn đường đi tới các phòng họp, phòng chức năng và giải đáp mọi thắc mắc của các phóng viên trong và ngoài nước trong khả năng của các em. Ngay từ tháng 4/2022 Bùi Thị Hồng Ngọc và các bạn đã được huy động tham gia tình nguyện phục vụ SEA Games 31. Em có khả năng ngoại ngữ khá tốt nhưng vẫn “ngại” giao tiếp với người nước ngoài. Tham gia SEA Games 31, được giao tiếp nhiều cho em sự tự tin hơn, trau dồi khả năng nói tiếng Anh. Đây sẽ là kinh nghiệm tốt cho em sau này khi ra trường tham gia phỏng vấn, xin việc.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực Trung tâm báo chí được Ban Tổ chức quan tâm; khẩu trang và nước sát khuẩn tay được bố trí đặt tại những nơi thuận tiện cho mọi người sử dụng. Các vận động viên, phóng viên đều đeo khẩu trang...
Ở khu vực Trung tâm báo chí, Ban tổ chức SEA Games 31 có hỗ trợ nước uống cho các phóng viên. Việc ăn uống cũng có cung cấp dịch vụ cho phóng viên có nhu cầu với thực đơn thay đổi hàng ngày, khá phong phú với cả món Âu, Á tùy theo khách đặt. Mức giá cho bữa ăn cũng phù hợp, từ 80.000 -120.000 đồng/suất. Còn với các phần ăn nhẹ, phóng viên có thể mua ngay tại quầy bar khá tiện tợi.
Ở tầng 1 của Trung tâm Hội nghị quốc gia còn có khu vực bán đồ lưu niệm với những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như áo dài, khăn lụa Vạn Phúc, túi đựng đồ trang điểm, thú nhồi bông với nhiều mẫu mã độc đáo, đẹp mắt… Đây cũng là một cách quảng bá tại chỗ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, sản phẩm thú nhồi bông sao la với hình ảnh khỏe khoắn, đáng yêu, thu hút nhiều người mua. Được biết, thú nhồi bông này là sản phẩm của Công ty Kym Việt. Những chú sao la này không phải linh vật chính thức của đại hội, mà là một sản phẩm đồng hành đã được Ban tổ chức SEA Games 31 cấp phép sản xuất với thiết kế riêng. Người làm ra những sản phẩm độc đáo này là những người khiếm thính, người khuyết tật vận động...