Thăm Đại học Thể dục thể thao lâu đời nhất nước Nga

Đội tuyển Nga đã sớm kết thúc hành trình tại EURO 2020, không khí bóng đá đã có phần dịu bớt tại thành phố St. Petersburg. Chính vì vậy, nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại St. Petersburg mới có chút thời gian rảnh rỗi tới thăm Đại học Thể dục thể thao Lesgaft nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban đối ngoại chính quyền thành phố St. Petersburg. Thành phố phương Bắc của nước Nga này là nơi đã diễn ra 6 trận đấu vòng bảng EURO 2020 và chuẩn bị đón một trận tứ kết vào ngày 2/7.

Chú thích ảnh
Tượng Pyotr Lesgaft người sáng lập ra trường năm 1896. Ảnh: Bùi Duy Trinh/Pv TTXVN tại Nga

Đại học tổng hợp quốc gia dân tộc thể dục, thể thao và sức khỏe mang tên Pyotr Lesgaft (Đại học TDTT Lesgaft) vốn không chỉ là trường đại học thể thao lâu đời nhất LB Nga, mà theo Hiệu trưởng trường, ông Sergey Bakulev, đây còn là trường đại học thể thao lâu đời nhất thế giới. Đây là cơ sở đại học giáo dục và đào tạo thể chất lâu đời nhất nước Nga - được nhà khoa học lỗi lạc Pyotr Lesgaft lập ra năm 1896.

Ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, ngôi trường này đã là một trong những trung tâm lớn nhất trong đời sống khoa học, văn hóa và chính trị ở Nga. Cho đến nay, các sinh viên, nghiên cứu sinh và cựu sinh viên trường đã giành được 295 huy chương Olympic, trong đó 1 huy chương vàng, hơn 700 huy chương vàng tại các giải Vô địch thế giới và châu Âu. Hơn 500 sinh viên của trường được vinh danh là huấn luyện viên công huân ở nhiều môn thể thao khác nhau. Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Thái cũng đã tốt nghiệp Đại học TDTT Lesgaft. 

Thật tự hào khi vận động viên trượt băng nghệ thuật Nikolai Panin-Kolomenkin, sau này là Phó giáo sư Đại học TDTT Lesgaft là người đã đem về huy chương vàng Olympic đầu tiên cho nước Nga vào năm 1908 tại London.

Trong khuôn viên nhà trường hiện có dựng tượng vinh danh Nikolai Panin-Kolomenkin. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên hơn là tại khuôn viên trường ở ngay St. Petersburg không chỉ có bức tượng vinh danh nhà sáng lập Pyotr Lesgaft mà còn có cả một bức tượng V. I. Lenin do nhà điêu khắc nổi tiếng Nikolai Tomskyi chế tác. Bức tượng bằng đồng cao tới 5,5m này trước đây được đặt tại nhà ga xe lửa Varshavsky từ năm 1949. Sau đó khi bức tượng bị di chuyển để xây dựng tại nhà ga thành một tổ hợp thương mại, các sinh viên tốt nghiệp trường Lesgaft sau khi biết tin đã báo cho Hiệu trưởng trường lúc đó là ông Vladimir Taymazov. Ông Taymazov đã bỏ tiền để di chuyển bức tượng đến khuôn viên Đại học. Bức tượng Lenin không lồ này hiện diện tại trường từ năm 2012 cho đến nay. 

Theo chân các giảng viên của trường, nhóm phóng viên TTXVN đã đến thăm sân vận động của Khoa Lý thuyết và Phương pháp bóng đá, Viện Thích ứng thể chất chuyên nghiên cứu các vấn đề cho người khuyết tật và Viện nghiên cứu về thể thao, công nghệ y tế và các vấn đề kinh tế xã hội. Tại sân vận động của trường, tiếp chuyện phóng viên là ông Maxim Nifontov, Trưởng Khoa Lý thuyết và Phương pháp bóng đá. Ông cho biết điểm đặc biệt của khoa là học viên được thực hành rất nhiều. Mỗi năm trường có khoảng 60 sinh viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành bóng đá tốt nghiệp song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về huấn luyện viên bóng đá ở St. Petersburg và nước Nga nói chung.

Ông Nifontov cho biết, sau khi sinh viên ra trường, nhà trường vẫn tiếp tục theo dõi các em và rất tự hào vì những đóng góp của các học viên tốt nghiệp lĩnh vực bóng đá. Ông Nifontov khẳng định “điều quan trọng với chúng tôi là các học viên tốt nghiệp, với khả năng đã có của mình được khen ngợi về mối quan hệ với trẻ em, trước tiên đó là huấn luyện, gieo vào lòng các em niềm hứng khởi, hình thành sự say mê. Mối liên hệ với các phụ huynh cho thấy họ đánh giá tích cực điều này”. 

Tiếp đón nhóm phóng viên TTXVN tại Viện Thích ứng thể chất, ông Sergey Evseev, Phó chủ tịch Ủy ban Paralympic Nga, Giáo sư, Viện sĩ hàm lâm, Trưởng Khoa Lý thuyết và phương pháp yhích ứng thể chất cho biết các nhiệm vụ chính của viện đó là tìm ra phương pháp thích ứng để phát huy tôi đa khả năng của các vận động viên khuyết tật, đồng thời cũng tìm ra phương pháp để giúp người khuyết tật có thể hòa nhập tốt với cuộc sống nhờ các khả năng sức khỏe của mình.

Ở Viện nghiên cứu về thể thao, công nghệ y tế và các vấn đề kinh tế xã hội, Giám đốc Andrei Kochergin đã giới thiệu về hệ thống máy móc hiện đại và các cảm biến để có thể xác định thể trạng tối đa của vận động viên, cũng như giới hạn sức khỏe của họ, qua đó phân tích, lập chương trình nhằm huấn luyện, tăng thành tích thi đấu cho vận động viên. 

Chú thích ảnh
Ông Sergey Bakulev, Hiệu trưởng Đại học TDTT Lesgaft cho biết trường có 5 viện, 37 tổ bộ môn, 8 khoa với các nhà khoa học thể thao hàng đầu, nhà vô địch Olympic đang giảng dạy. Ảnh: Bùi Duy Trinh/Pv TTXVN tại Nga

Ông Sergey Bakulev, Hiệu trưởng Đại học TDTT Lesgaft cho biết: “Trường đại học chúng tôi có 5 viện, 37 tổ bộ môn, 8 khoa với các nhà khoa học thể thao hàng đầu, nhà vô địch Olympic như các vận động viên thể thao vĩ đại Lyubov Egorova, anh hùng Nga, 6 lần vô địch Olympic; Alexey Mishin, huấn luyện viên công huân về trượt băng nghệ thuật;  Aleksander Kuznetsov - Huấn luyện viên công huân đua xe đạp Liên Xô, và một lượng lớn các nhà khoa học đang nghiên cứu khoa học thể thao hiện đại. Với Việt Nam, chúng tôi đã ký thỏa thuận với Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cùng với Ủy ban đối ngoại chính quyền thành phố St. Petersburg, chúng tôi cũng đã ký thỏa thuận với Phần Lan, Anh và có quan hệ với tất cả các đại học thể dục thể theo trong khu vực Liên Xô trước đây thông qua Hiệp hội các trường đại học thể dục thể theo quốc tế”.

Trong chuyến thăm trường, Bộ trưởng Thể thao Nga Oleg Matytsyn cũng đã trả lời phỏng vấn các phóng viên Việt Nam. Ông cho biết đại học tổng hợp Lesgaft ra đời 125 năm trước và là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực thể dục thể thao, do đó nhiệm vụ chính của trường là đào tạo các giáo viên, huấn luyện viên, vận động viên thể thao. Tại đây, hơn 100 nhà vô địch Olympic nổi tiếng đã tốt nghiệp, tiếp tục giảng dạy, đào tạo hàng chục, hàng trăm huấn luyện viên công huân Nga có đóng góp to lớn cho thành tích huy chương của Liên Xô và Nga tại các giải thi đấu lớn.

Ông bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của trường, cũng như luôn đánh giá cao cơ hội được tiếp xúc với đội ngũ giáo viên giảng dạy nhà trường, hiểu được công việc của họ và thấy các triển vọng của họ. Ông hy vọng trường sẽ luôn là cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện vận động viên của LB Nga.

Duy Trinh - Trần Hiếu (TTXVN)
Nga: Bảo tàng kim hoàn Faberge thu hút khách mùa EURO
Nga: Bảo tàng kim hoàn Faberge thu hút khách mùa EURO

Bảo tàng Faberge ở trung tâm thành phố Saint Petersburg là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng ở cố đô phương Bắc của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN