Đông đảo du khách đến Saint Petersburg cổ vũ giải bóng đá EURO 2020 đã tranh thủ thời gian ghé thăm nơi lưu giữ những báu vật độc đáo của hoàng gia Nga từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Nhiều hiện vật trưng bày tại bảo tàng là sản phẩm độc bản đã từng bị lưu lạc đến nhiều quốc gia trên thế giới và sau đó được giới doanh nhân và chính quyền địa phương Nga mua về lưu giữ tại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, Faberge là một trong những bảo tàng đồ cổ độc đáo nhưng có tuổi đời trẻ nhất ở thành phố Saint Petersburg. Hướng dẫn viên của bảo tàng cho biết, phòng trưng bày Faberge chính thức mở cửa vào ngày 19 tháng 11 năm 2013. Tuy nhiên, ý tưởng hình thành bảo tàng này có lẽ bắt nguồn từ sau sự kiện doanh nhân người Nga Viktor Vekselberg đã mua lại bộ sưu tập sản phẩm Faberge nổi tiếng của gia đình ông trùm truyền thông Mỹ Malcolm Forbes vào tháng 2 năm 2004. Bộ sưu tập bao gồm hơn 200 món đồ được ông trùm Forbes dày công sưu tầm trong 25 năm, trong đó có 9 quả trứng Phục sinh độc đáo do nghệ nhân kim hoàn Carl Faberge tạo ra để làm cống phẩm dâng lên hai vị hoàng đế cuối cùng của triều đình phong kiến đế quốc Nga.
Tháng 4 năm 2004, một cuộc đấu giá đặc biệt của Sotheby đã được tổ chức và kết quả là bộ sưu tập của Forbes đã được bán hết nhanh chóng. Việc một người mua được một bộ sưu tập giá trị như vậy đã trở thành một sự kiện chưa từng có trên thị trường nghệ thuật thế giới. Doanh nhân Nga Viktor Vekselberg không chỉ mua toàn bộ bộ sưu tập mà còn tặng lại những món đồ độc đáo này cho quê hương của mình để cho tất cả người dân có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của chúng. Đây chính là sự khởi đầu của việc thành lập bảo tàng đầu tiên của nước Nga để tôn vinh nhà kim hoàn vĩ đại người Nga Karl Faberge (1846-1920).
Đồng thời, Quỹ Văn hóa và lịch sử thời đại đã được thành lập nhằm thúc đẩy việc tìm kiếm, sưu tầm và đưa về Nga những hiện vật quý giá do nghệ nhân Karl Faberge chế tác, cũng như những tài sản của triều đình Nga hoàng đã bị lưu lạc khắp thế giới. Quỹ này được giao nhiệm vụ xây dựng bộ sưu tập và mở Bảo tàng Faberge, tổ chức các cuộc triển lãm tạm thời để phổ biến giá trị của các hiện vật với công chúng trong và ngoài nước Nga.
Trong suốt hơn 10 năm liên tiếp, các thành viên của quỹ này kiên trì theo dõi sự xuất hiện của các kiệt tác nghệ thuật trang sức của Nga tại các cuộc triển lãm, trưng bày, bán đấu giá trên khắp thế giới, từ châu Âu, châu Á, đến Bắc và Nam Mỹ. Những người có trách nhiệm đã tích cực làm việc với các nhà đấu giá, các chuyên gia và các tạp chí chuyên ngành để tìm hiểu về các tác phẩm của Faberge và các thợ kim hoàn nổi tiếng khác của Nga trong thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Nhờ đó, Quỹ đã hình thành một bộ sưu tập nghệ thuật trang sức tuyệt vời của Nga. Trong đó, bộ sưu tập các sản phẩm Fabergé được coi là lớn nhất thế giới, với hơn 1.000 hiện vật.
Đến thăm bảo tàng du khách được tận mắt chứng kiến bộ sưu tập các sản phẩm tinh xảo chất lượng cao và đặc biệt tinh tế, đa dạng về kiểu mẫu. Bộ sưu tập bao gồm các đồ trang sức và phụ kiện, bạc nghi lễ, đồ trang sức quý giá và đồ nội thất. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm hiện vật giá trị nhất của bộ sưu tập là những quả trứng Phục sinh độc đáo được nghệ nhân Faberge tạo ra theo đơn đặt hàng của các Sa hoàng Alexander III và Nicholas II để dành tặng các Hoàng hậu Maria Feodorovna và Alexandra Feodorovna.
Ngoài ra, trong bộ sưu tập của bảo tàng, có rất nhiều món đồ quý giá khác liên quan đến lịch sử của Nhà Romanov – vương triều trị vì nước Nga hàng trăm năm. Trong số đó có cả vật dụng cá nhân và những món quà "nội các" chính thức là những tín vật được trao cho những người nổi tiếng thời bấy giờ thay mặt cho hoàng đế Nga.
Một phần quan trọng khác trong bộ sưu tập của bảo tàng là bộ sưu tập đồ tráng men của Nga do các công ty trang sức hàng đầu của Nga nửa sau thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 chế tạo, bao gồm các tên tuổi nổi tiếng như: P. Ovchinnikov, I. Khlebnikov, A. Kuzmichev, anh em nhà Grachev.
Bảo tàng Faberge tọa lạc tại Cung điện Shuvalov, gần bến tàu Fontanka, rất thuận tiện cho du khách ghé thăm trước và sau khi tham quan St.Petersburg theo các tuyến đường sông.