Khởi nghiệp kinh doanh
Hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên (VĐV) giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới, có nhiều đóng góp đáng kể trong thành công chung của thể thao nước nhà và các địa phương. Ổn định tương lai trước những nỗi lo cơm áo gạo tiền sau thi đấu, nhiều VĐV đã tự vạch đường cho mình.
Trong khi đó, theo báo cáo của ngành thể thao, dù được tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức, cũng chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc trở thành HLV hay giáo viên thể chất với tấm bằng Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) hay cử nhân Sư phạm TDTT.
Chia sẻ về những nỗ lực tạo việc làm cho các VĐV, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nên đội ngũ VĐV đã được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Chế độ dinh dưỡng, tiền lương, chế độ khám, chữa bệnh, học tập, v.v…của các em được bảo đảm và cao hơn trước. Tuy nhiên, đối với ngành TDTT, từ trước đến nay, vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp là một việc hết sức khó khăn.
Một trong những nguyên nhân chính là các VĐV ít có tầm nhìn về công việc sau này khi ở đỉnh cao phong độ.
Đại diện ngành thể thao Việt Nam cho biết, khi vừa có cơ hội việc làm, nền tảng kiến thức, kỹ năng, bài học thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh thể thao lại có tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí được hun đúc từ tập luyện, các VĐV được cho là rất dễ dàng thích nghi và mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp.
Nghị định 36/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 14/6/2019) quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó nêu rõ vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm.
Thích ứng nhanh và tự mình tìm hướng đi riêng đã được nhiều VĐV thực hiện và tận dụng tốt những lợi thế ngay trong thời kỳ đỉnh cao phong độ. Từ nhiều năm nay, tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã ổn định kinh tế với một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị cầu lông tại TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với việc bán giày thể thao. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo vẫn đang kinh doanh cửa hàng ăn uống tại Ba Vì (Hà Nội).
Kiếm thủ số 1 Việt Nam Vũ Thành An cũng từng kinh doanh máy pha cà phê tự động và nay là hỗ trợ gia đình trong việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu. Phạm Văn Mách hay Lý Đức đều sớm trở thành ông chủ của các phòng tập thể dục thể hình trước khi từ giã nghiệp thi đấu đỉnh cao.
Nối dài sự học
Để chủ động hơn và cũng kêu gọi những đóng góp từ nguồn xã hội hóa một cách hiệu quả, ngành TDTT đã bắt tay hợp tác với nhiều đơn vị để hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho các VĐV sau khi kết thúc thi đấu thể thao thành tích cao.
Thỏa thuận hợp tác của Tổng cục TDTT với các hội doanh nhân về tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên của Thể thao Việt Nam có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp đang bắt đầu phát huy hiệu quả.
Năm 2020, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đặt chỉ tiêu tuyển dụng 70 VĐV tại 19 tỉnh, thành phố vào vị trí nhân viên bán xăng. Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam Group) bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch - khách sạn.
Cánh cửa các trường đại học cũng mở ra với các VĐV thành tích cao. Thỏa thuận hợp tác của ngành Thể dục thể thao với Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội về đào tạo cử nhân, thạc sỹ đặc biệt cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới bắt đầu được triển khai mang tên “Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao”.
Theo đó, các VĐV sẽ được đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân sau từ 4 - 6 năm. Lịch trình đào tạo được thiết kế linh hoạt, phù hợp với lịch thi đấu của các vận động viên thể thao. Thậm chí các vận động viên đạt thành tích đặc biệt xuất sắc tại kỳ Đại hội Thể thao Châu Á, Olympic sẽ được tuyển thẳng theo quy định sẽ được thông báo hàng năm và dựa vào mức cân đối các nguồn tài chính cũng như các khoản tài trợ (nếu có) để xem xét miễn một phần học phí hoặc toàn bộ học phí.
Cuối năm 2020, lứa cầu thủ đội tuyển Bóng đá quốc gia và U23 nổi tiếng của Nguyễn Quang Hải và Trần Đình Trọng đều chính thức nhập học, trở thành các tân sinh viên Khóa Đại học 56, Ngành Huấn luyện thể thao Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Như vậy, Nguyễn Quang Hải là một trong số ít các cầu thủ học hai trường đại học một lúc. Bởi anh cũng đăng ký “Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao” của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan.
Dù biết, để tham gia học đại học, các cầu thủ trẻ có được sự hỗ trợ, ủng hộ rất nhiều từ chính cơ quan chủ quản. Nhưng rõ ràng, nó cũng thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực vươn lên của VĐV. Đây sẽ là cơ hội để các cầu thủ trẻ học tập nâng cao khả năng, hướng đến những mục tiêu xa hơn với trong sự nghiệp thể thao.
Tạo việc làm và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho các vận động viên thôi không còn thi đấu chuyên nghiệp là một việc làm thiết thực để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo thu nhập ổn định cho vận động viên đã kết thúc thi đấu, đồng thời là sự động viên, khích lệ cho các vận động viên đang thi đấu yên tâm, nỗ lực hơn nữa trong tập luyện và thi đấu, mang lại nhiều thành tích thể thao cao hơn cho đất nước. Cùng với đó, có thể thấy, nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn hay lao động ổn định cuộc sống sau này của chính các VĐV cũng quan trọng không kém.