Khác lạ trong các cuộc chuyển nhượng 2020
Mùa hè năm ngoái, Premier League là giải đấu chi nhiều tiền thứ hai cho các thương vụ mua sắm, với tổng số tiền 20 CLB bỏ ra lên tới 1,41 tỷ bảng. Tính trên bình diện châu lục, 5 giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu châu Âu đã chi tổng cộng 5,5 tỷ euro (4,9 tỷ bảng) cho các hợp đồng chuyển nhượng.
Tổng cộng 11 CLB ở Premier League thiết lập các kỷ lục mới về chuyển nhượng. Đáng chú ý, MU phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của đội bóng khi bỏ ra tới 85 triệu bảng để chiêu mộ trung vệ Harry Maguire từ Leicester, trong khi Arsenal cũng một lập kỷ lục khác với thương vụ Nicolas Pepe trị giá 72 triệu bảng từ Lille. Ở chiều ngược lại, Chelsea thiết lập kỷ lục bán cầu thủ khi chấp nhận để Eden Hazard chuyển tới Real Madrid với mức phí 100 triệu euro (89 triệu bảng).
Tác động của đại dịch COVID-19 không chỉ làm xáo trộn lịch thi đấu của các giải đấu, mà còn để lại thiệt hại nặng nề về tài chính cho các CLB. Trong thời điểm có quá nhiều rủi ro thế này, sự thận trọng là ưu tiên hàng đầu của nhiều đội bóng, như chia sẻ của cựu giám đốc thể thao Liverpool Damien Comolli: “Thật khó để biện hộ cho việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một cầu thủ nào đó trong bối cảnh đại dịch đang lấy đi sinh mạnh của rất nhiều người trên thế giới”.
Tất nhiên điều này không đồng nghĩa thị trường chuyển nhượng sẽ hoàn toàn đóng băng trong năm 2020 này. Khi các giải VĐQG châu Âu trở lại và hoàn tất những vòng đấu cuối cùng, các đội bóng sẽ phải sáng tạo hơn trong ý tưởng chuyển nhượng của mình. Ông Comolli khẳng định: “Tôi nghĩ kỳ chuyển nhượng sắp tới sẽ khó lường. Mức phí chuyển nhượng các cầu thủ sẽ giảm. Các thương vụ trao đổi cầu thủ tăng lên, thay vì phải móc hầu bao trực tiếp để trả cho một tân binh nào đó. Các thương vụ cho mượn cũng hứa hẹn nhiều hơn trước đây”.
Giá chuyển nhượng cầu thủ sẽ giảm trông thấy
Quan điểm này của ông nhận được nhiều sự chia sẻ. Cuối tháng trước, phó chủ tịch điều hành MU Ed Woodward tiết lộ trên một diễn đàn của các CĐV: “Mọi thứ sẽ không còn diễn ra như trước đây với bất cứ CLB nào, bao gồm cả MU trong kỳ chuyển nhượng mùa hè sắp tới”. Hay cựu chủ tịch Bayern Munich Uli Hoeness còn đi xa hơn khi dự đoán mức phí chuyển nhượng vượt ngưỡng 100 triệu euro (89 triệu bảng) sẽ chỉ còn là quá khứ trong vài năm tới đây”.
Đúng là những phi vụ bom tấn kiểu như Neymar sang PSG từ Barcelona với mức phí lên tới 222 triệu euro sẽ chẳng thể xuất hiện. Mặt khác, những CLB lớn của bóng đá châu lục vẫn có thể tự tin thực hiện các phi vụ chuyển nhượng gây chú ý khi trái bóng quay trở lại sau đại dịch. Tuy vậy, theo lời ông Comolli, các CLB muốn bán cầu thủ sẽ không thể ép giá như trước đại dịch: “Tôi nghĩ những CLB giàu có sẽ chi tiêu thông minh và có thể bóp chết thị trường chuyển nhượng trong việc lấy đi những tài năng mới nổi. Một cầu thủ được định giá 20 triệu bảng hồi tháng 1 năm nay sẽ chỉ còn có giá trị bằng một nửa vào mùa hè năm nay. Một số CLB săn lùng các tài năng trẻ với mức phí chỉ bằng một nửa hay một phần ba giá trị của họ cách đây 6-12 tháng”.
Điều này nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại về tài chính cho những CLB thuộc nhóm trung lưu vốn trông cậy vào nguồn thu từ việc bán các cầu thủ tiềm năng được họ tự đào tạo từ các tuyến trẻ cho những đội bóng giàu có để thu về lợi nhuận khổng lồ. Chẳng hạn, Lille đã thu về tới 150 triệu euro từ việc bán đi ba cầu thủ giàu tiềm năng gồm Rafael Leao sang Milan, Thiago Mendes sang Lyon và Pepe sang Arsenal. Họ sử dụng số tiền thu được để tái đầu tư vào các tài năng trẻ với mức giá vừa phải, hy vọng họ sớm tỏa sáng và rồi lại đi vào vòng quay bán tiếp cho những đại gia như đã từng làm với ba cái tên nêu trên. Cụ thể, Lille chỉ bỏ ra 10 triệu euro để chiêu mộ Timothy Weah từ PSG, 12 triệu euro mua Victor Osimhen từ Chaleroi và 25 triệu euro để phục hưng tài năng của Renato Sanches từ Bayern Munich.
Nếu không thể bán đi những cầu thủ mới nổi cho các CLB với mức phí cao chót vót, quá trình tái đầu tư của Lille và nhiều đội bóng đi theo con đường này sẽ bị phanh lại. Rõ ràng, thị trường chuyển nhượng hậu đại dịch vẫn là một điều gì đó bí ẩn chưa thể nói trước.