Cụ thể V-League 2020 còn 2 vòng đấu để kết thúc giai đoạn một và 7 lượt đấu của giai đoạn hai nên VPF cần thêm tối thiểu 45 ngày để thực hiện (5 ngày/trận). Trong khi đó, giải hạng Nhất còn 2 lượt trận của giai đoạn 1 và 5 lượt trận của giai đoạn 2 nên phải cần tối thiểu 35 ngày (5 ngày/trận). Tương tự, Cúp quốc gia còn 3 vòng đấu tứ kết, bán kết và chung kết, sẽ tiêu tốn thêm 15 ngày (5 ngày/trận).
Một thực tế khác là những phương án VPF vừa đưa ra phải phụ thuộc vào AFC Cup 2020 được tổ chức luôn trong năm nay hay chuyển sang 2021. Bởi V-League có 2 đại diện Việt Nam tham gia đấu trường số 2 châu Á này là TP Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh.
1. Ở trường hợp đầu tiên, khi phần còn lại của AFC Cup 2020 được lùi sang năm 2021 thì vòng đấu thứ 12 của giai đoạn 1 V-League 2020 sẽ được bắt đầu lại từ ngày 3/10. Điều này là thực tế khi nhiều câu lạc bộ (CLB) đã xác nhận khó có thể thi đấu lại trong tháng 8 này vì những địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam đang diễn ra dịch bệnh phức tạp. Chiếu theo điều này, giai đoạn 2 của nhóm tranh chức vô địch sẽ kết thúc vào 22/11 và nhóm tránh trụ hạng là 15/11.
Trong khi đó, giải hạng Nhất quốc gia tiếp tục từ ngày 23/9 và kết thúc đúng hạn 31/10, còn vòng tứ kết Cúp Quốc gia diễn ra trong hai ngày 12 và 13/9. Tiếp đó, 2 trận bán kết tổ chức vào 18 và 19/9, trận chung kết diễn ra ngày 26/9 hoặc 28/9 (trường hợp CLB Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc XSKT Cần Thơ giành quyền thi đấu trận chung kết).
Thuận lợi của 2 phương án này là số trận đấu được giữ nguyên và các CLB có đủ thời gian 60 ngày chuẩn bị cho mùa giải mới. Tuy nhiên, như đã phát biểu nhiều lần trên báo chí, lãnh đạo các CLB như Quảng Nam, Thanh Hóa, SLNA... sẽ lại có lý do để phàn nàn.
Các CLB đã từng truyền đi thông điệp của mình qua giới truyền thông về ý muốn chấm dứt mùa giải 2020 để họ không gặp vấn đề về kinh phí. Nhiều CLB có lý do đã “chốt” hợp đồng với nhà tài trợ cùng các ngoại binh lẫn cầu thủ nội sẽ “đường ai nấy đi” sau ngày 31/10 như dự định ban đầu của BTC giải.
Lý do này được xem là chính đáng nhất để các CLB viện dẫn khó khăn và không muốn tiếp tục đua tranh, và điều đó nếu thành sự thật sẽ khiến VFF, VPF phải rối bời. Chuyện các CLB mất tiền tỷ mỗi tháng để duy trì hoạt động là điều dễ hiểu và có lý do để CLB mong chờ khoản hỗ trợ từ những cơ quan có thẩm quyền.
2. Kịch bản thứ 2 đối với V-League 2020, các trận đấu cũng trở lại vào ngày 3/10. Trong đó, giai đoạn hai của nhóm tranh chức vô địch kết thúc vào 22/11 còn của nhóm tránh trụ hạng là 15/11. Cúp quốc gia 2020 bắt đầu từ ngày 19 và 20/9 với các trận tứ kết, còn hai trận bán kết được tổ chức vào 26 và 27/9 và trận chung kết diễn ra ngày 28/11. Giải hạng Nhất trở lại ngày 23/9 và cũng kết thúc đúng ngày 31/10.
Trường hợp khi AFC Cup 2020 vẫn thi đấu trong năm nay thì vòng đấu thứ 12 của giai đoạn 1 V-League 2020 sẽ được bắt đầu lại từ ngày 4/10. Trong đó, giai đoạn hai của nhóm tranh chức vô địch kết thúc vào 29/11 còn của nhóm tránh trụ hạng là 22/11.
Trong khi đó, giải hạng Nhất tiếp tục từ ngày 24/9 và kết thúc đúng 31/10. Còn vòng tứ kết Cúp quốc gia 2020 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/9. 2 trận bán kết tổ chức vào 18-19/9, và trận chung kết diễn ra ngày 5/12.
Phương án khác đối với V-League 2020, các trận đấu cũng trở lại vào ngày 17/10. Trong đó, giai đoạn hai của nhóm tranh chức vô địch kết thúc vào 12/12 còn của nhóm tránh trụ hạng là ngày 29/11.
Cúp quốc gia bắt đầu từ ngày 19 và 20/9 với các trận tứ kết, còn 2 trận bán kết được tổ chức vào 26 và 27/9. Trận chung kết diễn ra ngày 10/10. Còn giải hạng Nhất trở lại ngày 24/9 và cũng kết thúc đúng ngày 31/10.
Ở phương án này, số trận đấu vẫn giữ nguyên nhưng các CLB chỉ có khoảng 45 ngày chuẩn bị cho mùa giải 2021. Điều đó gây áp lực cho các CLB, cộng thêm lý do khó khăn về tài chính khi họ tính toán đến ngày 31/10 sẽ giải phóng hợp đồng hàng loạt cầu thủ, nhiều nguyên nhân bủa vây khiến CLB nản lòng không muốn đá tiếp.
HLV Park Hang-seo vừa qua cũng trả lời phỏng vấn rằng ông rất lo ngại nếu V-League không diễn ra và nếu như thế, đội tuyển quốc gia chỉ có phương án hội quân và tập dài ngày như các đội tuyển chung bảng G vòng loại World Cup 2022 với Việt Nam là UAE, Indonesia... phải tập trung. Các cầu thủ nếu không được thi đấu sẽ mất cảm giác và đánh rơi phong độ. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử ở đấu trường danh giá nhất hành tinh và sẽ rất thiệt thòi cho thầy trò HLV Park Hang-seo khi mọi giải đấu phải hủy bỏ.
Trong khó khăn, điều cần thiết nhất lúc này vẫn là tinh thần xây dựng, vì cái chung. Dịch bệnh COVID-19 đang thử thách nền bóng đá nhưng nếu các CLB đồng lòng để vượt khó, cao hơn nữa là tinh thần thể thao cao thượng, cộng với tinh thần “lắng nghe và thấu hiểu” từ VFF, VPF, mọi vấn đề đều dễ giải quyết. Xây dựng bao giờ cũng dễ dàng hơn đạp đổ và bóng đá Việt Nam hy vọng sẽ không “chết yểu” vì tư duy tiêu cực.
Thực tế cho thấy nhiều CLB muốn hủy giải nhưng không ít CLB muốn cạnh tranh tiếp tục. Bởi chỉ có thi đấu, các cầu thủ mới có những khoản lương, thưởng trọn vẹn và các CĐV chí ít cũng có thêm thú vui giải trí. Một thành viên trụ cột của CLB hạng trung ở V-League hiện tại chia sẻ: “Đội em đá thắng 2 trận, hòa 2 trận cũng nhận được khoảng 90 triệu tiền thưởng. Số tiền đó cộng với lương giúp ích được nhiều cho gia đình, vợ con”.