Có ai đó đã nói rằng bóng đá chính là bức tranh phản chiếu sinh động cuộc sống đầy màu sắc của chúng ta. Trong bóng đá, chúng ta có thể cảm nhận được tất cả mọi cung bậc cảm xúc như hy vọng, vui mừng, giận dữ, đau khổ … nhưng cũng được chứng kiến những phẩm chất đẹp nhất của con người như bản lĩnh, kiên cường, tinh thần đồng đội … Bóng đá đã, đang và sẽ đưa mọi người đến gần nhau hơn, xóa tan những khoảng cách về địa lý, chính trị, văn hóa, sắc tộc ….
Trong cuộc sống của chúng ta, những sai lầm, vấp ngã là điều không thể tránh được. Bóng đá cũng vậy. Chính vì có sai lầm đến từ hàng phòng thủ của các đội bóng nên chúng ta mới được chứng kiến những bàn thắng.
Và cũng vì sai lầm trong công tác điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài nên mới dẫn tới những quyết định làm thay đổi cục diện của một số không ít trận đấu, mang lại kết quả thiếu công bằng cho các đội bóng. Vì vậy, sự có mặt của công nghệ là điều cần thiết để giảm thiểu những sai sót trong công tác điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài, mang lại sự công bằng cho các đội bóng.
Các cầu thủ Colombia và Senegal tranh cãi với trọng tài trong trận đấu ở bảng H vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra ở Samara, Nga ngày 28/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Từ công nghệ VAR Tại World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) lần đầu tiên đưa vào sử dụng công nghệ hình ảnh hỗ trợ trọng tài (VAR). Để có thể đưa VAR vào sử dụng chính thức tại một kỳ World Cup, FIFA đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này ở hàng nghìn trận đấu trước đó và độ chính xác trong các quyết định của trọng tài đã tăng lên 99% với sự hỗ trợ của công nghệ mới. Chủ tịch FIFA Infantino cho biết khi sử dụng trong các trận đấu, VAR đã chứng minh được việc giảm những sai sót từ phía các trọng tài và sẽ giúp bóng đá trở thành "một môn thể thao công bằng và minh bạch hơn".
VAR có vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. Phòng điều hành VAR được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018.
Phòng điều hành VAR bao gồm một đội ngũ trọng tài cùng với hơn 30 máy ghi hình (camera) lắp đặt trên mỗi sân vận động diễn ra trận đấu, trong đó có tám camera là loại camera quay chậm, và bốn chiếc khác là camera quay siêu chậm. Bên cạnh đó, hai camera khác được dành riêng để theo dõi các tình huống việt vị.
FIFA cho phép VAR can thiệp vào bốn trường hợp: bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ hoặc trọng tài nhận diện sai cầu thủ. Nhóm các trọng tài ngồi bên trong phòng điều khiển VAR có trách nhiệm nhắc nhở, hỗ trợ trọng tài chính khi liên quan đến các tình huống nói trên song quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính đang điều hành trận đấu.
Nếu trọng tài điều hành quyết định tham khảo sự tư vấn của nhóm trọng tài VAR thì phòng điều hành VAR sẽ hiển thị công khai và chi tiết hình ảnh của không gian phòng điều hành, các thao tác xử lý của đội ngũ trọng tài tại phòng điều hành VAR cùng băng ghi hình tình huống xảy ra thông qua màn hình lớn trên mỗi sân đấu, để khán giả có thể theo dõi nhằm đảm bảo sự công bằng và chính xác cao nhất.
Theo quy định chính thức của FIFA, tổ trọng tài VAR có quyền can thiệp vào bốn trường hợp như trên ,song chỉ khi trọng tài chính ra hiệu cần dùng đến VAR để xem xét. Tuy vậy, kể cả khi đã có hình ảnh từ VAR, nếu cảm thấy không đủ thuyết phục, trọng tài chính vẫn có thể giữ nguyên quyết định cũ của mình mà không cần thay đổi.
Tới những bàn thắng "vàng" Pháp là đội bóng đầu tiên được hưởng phạt đền nhờ công nghệ VAR tại World Cup 2018, trong trận đấu diễn ra vào ngày 16/6, với đối thủ Australia. Phút 55 của trận đấu, trong một tình huống tấn công tiếp cận khung thành Australia, tiền đạo Antoine Griezmann đã ngã trong vòng cấm địa sau pha vào bóng từ phía sau của cầu thủ đối phương Josh Ridson. Với sự trợ giúp của công nghệ VAR, trọng tài điều hành trận đấu đã xem lại tình huống nói trên và ra quyết định cho Pháp được hưởng phạt đền.
Từ quả tạt của đồng đội Dani Carvajal, tiền đạo Iago Aspas (giữa, phía trước) băng vào đánh gót kỹ thuật tung lưới tuyển Maroc, cân bằng tỷ số 2-2 cho Tây Ban Nha ở những phút cuối của trận đấu bảng B, vòng chung kết 2018 diễn ra ở Kaliningrad, Nga ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Còn trong lượt đấu cuối cùng ở bảng B ngày 25/6, ở phút bù giờ đầu tiên sau 90 phút thi đấu chính thức, đội tuyển Morocco đang dẫn trước Tây Ban Nha với tỷ số 2-1, cầu thủ Iago Aspas vào thay tiền đạo Diego Costa đã sút tung lưới Morocco giúp Tây Ban Nha giành lại một điểm quý giá.
Ban đầu, trọng tài điều hành trận đấu không công nhận bàn thắng vì cho rằng cầu thủ Tây Ban Nha đã rơi vào thế việt vị trong lúc đón bóng ở cột dọc gần. Sau đó, từ sự tham khảo ý kiến của nhóm trọng tài VAR, trọng tài điều hành trận đấu đã quyết định công nhận bàn thắng của Iago Aspas.
Tiếp đó, trận đấu “sống còn” ở bảng D giữa Argentina và Nigeria kết thúc vào rạng sáng ngày 27/6 với kết quả 2-1 nghiêng về đội bóng Nam Mỹ. Một tình huống đáng chú ý ở phút thứ 76 của trận đấu này, Nigeria tổ chức phản công bên cánh trái sau quả phạt góc của Argentina, tiền đạo Ahmed Musa của Nigeria thực hiện pha tạt bóng vào vòng cấm, trung vệ Marcos Rojo của Argentina cố gắng đánh đầu phá bóng thì bóng lại đập vào tay.
Trọng tài điều hành trận đấu xem lại tình huống qua VAR và quyết định không cho Nigeria được hưởng phạt đền. Theo luật bóng đá, khi cầu thủ cố tình dùng tay chạm bóng trong vòng cấm thì trọng tài mới đưa ra quyết định thổi phạt đền như khi đối phương tạt bóng, hậu vệ không khép tay sát vào thân người mà để bóng chạm tay bị xem là cố tình. Tình huống để bóng chạm tay của Marcos Rojo được coi là không cố tình khi cầu thủ này đã nỗ lực bật cao đánh đầu (nên hai tay không thể khép sát thân người) để phá bóng giải vây, vô tình bóng đập vào tay.
Theo nhận định của các chuyên gia bóng đá, việc dừng trận đấu lại trong một khoảng thời gian ngắn để đội ngũ trọng tài đang điều hành trận đấu có thể tham khảo công nghệ VAR qua đó xác định chính xác các tình huống diễn biến quá nhanh hoặc do trọng tài đứng ở vị trí khó quan sát trong các trận đấu bóng nhằm đưa ra quyết định “chuẩn và công bằng” hơn là điều cần thiết.
Mặc dù hiện vẫn có những ý kiến trái chiều song có một thực tế là công nghệ VAR, khi được đội ngũ trọng tài điều hành các trận đấu ở World Cup 2018 “nhờ cậy”, đã giúp họ đưa ra những quyết định chính xác hơn trong những tình huống có thể làm ảnh hưởng tới cục diện cũng như kết quả trận đấu, qua đó mang lại sự công bằng cho các đội bóng, đồng thời cũng mang tới những cảm xúc mới và sự hấp dẫn cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này.