Gia đình ông Nguyễn Ngọc Đời, thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ không khỏi lo lắng khi chứng kiến diện tích lớn đất canh tác của gia đình nằm sát bờ sông bị nuốt chửng. Sạt lở diễn ra nhiều năm, năm 2023 ngày càng nghiêm trọng hơn và tiến sát khu vực chuồng nuôi gia súc khiến ông đành “bỏ trống” không dám tái đàn. Ông phải tận dụng mọi biện pháp gia cố, kè chắn nhằm giữ lại tài sản, đất đai nhưng đều không có tác dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Đời chia sẻ, mùa mưa đến là ông không ngủ được. Mỗi đêm, ông đều phải chong đèn ra canh con nước vì sợ ngôi nhà - tài sản giá trị nhất mà vợ chồng ông tích cóp, dành dụm được bị nuốt chửng lúc nào không hay.
Ông Bùi Văn Chương cùng thôn Mỹ Đức cũng lắc đầu khi nhìn những “hàm ếch” ở mé sông ngày càng sâu và lan rộng ra khiến các trụ tiêu đang kỳ cho trái bị bật gốc, trơ rễ, đổ nghiêng. Ông mong chính quyền sớm xây dựng tuyến kè kiên cố để đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo chính quyền địa phương, sạt lở bờ sông An Lão xảy ra tại 2 điểm (thôn Mỹ Đức và thôn Long Quang) và kéo dài từ năm 2016 đến nay. Tổng chiều dài sạt lở là hơn 2 km. Có hai hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới vì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện còn khoảng hơn 60 hộ dân khác chưa được di dời.
Về vấn đề này, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Ân Mỹ chủ động lên phương án di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ xảy ra, nhất là vào ban đêm. Huyện kiến nghị cấp trên quan tâm, xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến kè kiên cố nhằm giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất.