Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô Lê Thị Chung thông tin, đầu tháng 10/2023, nhà trường ghi nhận nhiều vết rạn, nứt trên sân bê tông, tường rào, mái ta luy phía sau tòa nhà 3 tầng (12 phòng học) và khu nhà vệ sinh. Kế đó, các vết nứt, rạn ngày càng mở rộng thêm, nhiều đoạn tường rào của nhà trường cũng bị xô lệch, mặt sân xung quanh tòa nhà 3 tầng bị nứt, gãy... Nhiều vết nứt trên tòa nhà 3 tầng khiến nhà trường rất lo lắng. Nhất là khi phía sau tòa nhà này là một hồ nước lớn và lúc đó có mưa lớn kéo dài bất thường. Nhà trường đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô về tình hình và đề nghị kiểm tra, xử lý.
Ngành chức năng huyện Krông Nô đã về trường kiểm tra và báo cáo lên cấp trên. UBND huyện Krông Nô đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông tổng hợp và có kế hoạch sửa chữa cấp bách theo chương trình khắc phục hậu quả thiên tai. Đầu năm 2024, tỉnh đã được bố trí trên 7 tỷ đồng để khắc phục sạt lở tại Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô.
Các ngành chức năng đã nhiều lần về kiểm tra, khảo sát thực tế và lên phương án sửa chữa, khắc phục các hạng mục, vị trí bị nứt, gãy. Đến tháng 6/2024 vừa qua, Sở Xây dựng Đắk Nông khuyến cáo không nên tiếp tục sử dụng tòa nhà 3 tầng và Ban Giám hiệu Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô đã thực hiện ngay. Đồng thời, nhà trường tổ chức giăng dây khu vực sạt lở để cảnh báo học sinh, giáo viên không đi vào, cắm nhiều biển, bảng cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Các hạng mục tường rào, nhà vệ sinh bị sạt lở cũng được cảnh báo tương tự.
Mới đây, nhà trường được thông báo ngành chức năng đang tiến hành việc kiểm tra, kiểm định chất lượng tòa nhà 3 tầng và một số hạng mục liên quan. Dự kiến cuối tháng 10/2024 mới hoàn thành. Năm học mới 2024 - 2025, nhà trường có khoảng 1.600 học sinh, nếu phải tạm ngưng sử dụng tòa nhà 3 tầng thì sẽ thiếu 12 phòng học. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức học 2 buổi đối với một số lớp hoặc mượn phòng học của trường khác để dạy học.
Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Hà cho biết, quan điểm của huyện là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh. Do đó, việc tạm ngưng sử dụng tòa nhà đang rạn, nứt sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. UBND huyện Krông Nô đã kiểm tra và yêu cầu nhà trường, cơ quan liên quan chủ động bố trí trường lớp, đảm bảo không ảnh hưởng tới việc dạy và học.
Trước đó, ngày 26/6, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm định chất lượng công trình đối với khối nhà học 3 tầng và khu vực xung quanh của Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô để làm cơ sở cho việc xử lý, khắc phục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông) phối hợp với các đơn vị liên quan tạm dừng triển khai dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở tại trường. UBND tỉnh cũng chỉ đạo xác định, xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc đề xuất dự án khắc phục sạt lở cũng như việc chậm trễ thực hiện, dẫn tới phải điều chuyển nguồn vốn.
Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được thành lập vào năm 1998, xây dựng trên diện tích 24.000 m2 và hiện là trường có số học sinh cao nhất trong tỉnh. Hiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn rất nhiều khó khăn; 10 năm qua, nhà trường chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất.
Tương tự, việc khắc phục tình trạng sạt lở tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng khá chậm trễ và nhà trường phải mượn phòng học của một cơ sở giáo dục mầm non để dạy học trong năm học mới 2024 - 2025.
Theo ông Phạm Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, nhà trường bị sạt lở nghiêm trọng và phải tháo dỡ 3 phòng học vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2023. Ngành chức năng sau đó đã bố trí vốn (gần 5 tỷ đồng) để xây lại các phòng học và xử lý khu vực sạt lở. Tuy nhiên, đến nay các thủ tục vẫn chưa xong và sớm nhất vào tháng 9/2024 mới được khởi công, xây dựng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như điều kiện dạy, học của giáo viên và học sinh, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc xử lý để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, ảnh hưởng.