Điển hình, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có trên 1.800 hộ dân, trong đó có tới 450 hộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Anh Lê Tuấn Anh (xã Biển Bạch) cho biết, nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nước mưa. Tuy nhiên hơn 3 tháng nay, khu vực nhà anh không có giọt mưa nào. Do đó, để có nước sạch sử dụng, anh phải mua từ các ghe chở nước nơi khác chuyển đến và chấp nhận mua với giá cao. “Gia đình tôi dù sử dụng rất tiết kiệm nước, mỗi tháng phải tốn ít nhất 500.000 đồng. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê của tôi, mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng”, anh Tuấn Anh cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Biển Bạch) cho biết, để tiết kiệm tiền nước, gia đình ông phải kết hợp giữa sử dụng nước ngọt với nước mặn cho các hoạt động không thiết yếu. Dù sử dụng tiết kiệm nhưng từ đầu mùa khô đến nay, gia đình ông đã phải trả đến hơn 2,5 triệu đồng tiền mua nước ngọt. Đường ống nước cấp vào đến tận nhà ông nhưng đã 5 tháng nay không có giọt nước nào chảy qua đường ống.
Được biết từ năm 2017, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường đã đầu tư xây dựng kiên cố Trạm cấp nước sinh hoạt tại xã Tân Bằng. Theo thiết kế, Trạm có công suất 1.200 m3/ngày đêm, với đường ống dài 80 km để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 2.600 hộ dân khu vực hai xã Biển Bạch và Tân Bằng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nắng nóng kéo dài, công suất của Trạm không đủ để cung cấp cho nhu cầu của người dân. Do đó, tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là đối với những hộ ở cuối nguồn của hệ thống cấp nước.
Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch thông tin, thổ nhưỡng của địa phương khá đặc biệt, khi có khoảng 70% diện tích không thể khoan được các giếng nước ngầm để sử dụng. Do đó, người dân chỉ có thể trông chờ vào lượng nước mưa và từ trạm cấp nước. “Tuy nhiên, tình trạng chung của trạm cấp nước là không thể nâng thêm công suất. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của người dân quá lớn, dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều ấp của xã. Vì vậy, để có được nguồn nước ngọt sử dụng, người dân phải mua từ các ghe chở nước với giá khoảng 50.000 đồng/m3; trong khi ở trạm cấp nước chỉ từ 6.000 - 6.500 đồng/m3”, ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm.
Qua rà soát của ngành chức năng, toàn tỉnh có khoảng 12.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Huyện Trần Văn Thời đang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ tình trạng hạn hán nghiêm trọng này, với trên 530 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nông thôn; sửa chữa, khoan mới các giếng khoan quy mô gia đình và các điểm cấp nước tập trung; hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân…, hạn chế thấp nhất tình trạng người dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô năm nay.