Trước tình trạng đó, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp về trước mắt và lâu dài nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, đảm bảo không để hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt do hạn hán.
KBang là địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng từ hạn hán của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có trên 200 giếng nước của bà con bị khô, cạn nước, tập trung chủ yếu ở xã Kông Lơng Khơng, Lơ Ku và Đak Smar. Một số công trình cấp nước tập trung do chính quyền địa phương xây dựng cũng bị cạn nguồn nước, khiến hơn 230 hộ dân thiếu nước sinh hoạt (định mức thấp hơn 60 lít nước/người/ngày). Ngoài ra, hàng trăm giếng nước khác của người dân đang giảm mực nước, khiến bà con gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt.
Ông Đinh Văn Blích, làng Mơ Hra - Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang cho biết, chiếc giếng đào của gia đình ông phục vụ nước sinh hoạt cho 3 hộ với 14 nhân khẩu. Từ nửa tháng nay, mực nước trong giếng giảm mạnh, chỉ còn 30 - 40cm nước, khiến mọi sinh hoạt đều rất khó khăn.
“Nước ăn, uống thì có nhưng phải tiết kiệm. Còn nước để tắm giặt thì không đủ, cả tuần mới giặt quần áo một lần, tắm cũng vậy, vì không có nước”, ông Đinh Văn Blích chia sẻ.
Theo ông Mã Văn Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện KBang, trước thực trạng nhiều giếng nước khô cạn như hiện nay, các địa phương đã chủ động và vận động các nguồn kinh phí để tiến hành khoan giếng hoặc đào giếng, tìm nguồn nước cho bà con sinh hoạt. Tại xã Kông Lơng Khơng, một giếng nước tập thể đã được địa phương đào tại cánh đồng của làng Mơ Hra-Đáp, với kinh phí 65 triệu đồng từ nguồn vận động tài trợ, cung cấp khoảng 9 m3 nước/ngày đêm, đảm bảo phục vụ nước cho bà con. Tại xã Đak Smar, địa phương cũng đang triển khai đầu tư khoan một giếng để bơm lên bể cấp, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước thông qua hệ thống đường ống nước hiện có.
“Đối với các địa phương chưa xảy ra tình trạng thiếu nước, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, các hộ dân có nhiều nước sẽ chia sẻ nguồn nước cho các hộ dân ít nước; nạo vét, xử lý phèn đối với các giếng nước lớn của các làng để phục vụ nhu cầu sử dụng nước được tốt hơn”, ông Tình cho biết thêm.
Tại huyện Đắk Pơ, theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, có khoảng 700 giếng đào từ các chương trình và hộ gia đình bị khô cạn, hơn 800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, đa số giếng chung của làng đều đã cạn khô, không có nước phục vụ sinh hoạt. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tiến hành khoan giếng để cung cấp nước cho bể chứa, song lượng nước cũng không nhiều.
Bà Xek, làng Kruối Chai cho biết, hàng ngày, bà phải đến bể nước của làng lấy nước nhiều lần, do mỗi lần bơm nước từ giếng khoan lên bể chỉ được khoảng 5 phút, sau đó phải chờ giếng hồi nước từ 20 - 30 phút mới có thể bơm lại được. Nhiều bà con ở đây phải đặt chỗ trước bằng các dụng cụ đựng nước như thau, bình nhỏ để lấy nước sử dụng.
Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Pơ cho biết, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng hợp lý các công trình tự chảy được đầu tư những năm trước. Đối với các giếng nước bị khô cạn, các địa phương gấp rút rà soát, sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của xã để khoan giếng cho bà con.
“Chúng tôi tập trung rà soát ở tất cả các địa phương, đặc biệt là các làng đồng bào dân tộc thiểu số mà hiện bị thiếu nước trầm trọng. Trong trường hợp kinh phí các xã quá khó khăn, cần đề xuất tham mưu để có kinh phí dự phòng của huyện, làm sao để đảm bảo nước phục vụ cho bà con, đặc biệt là trong tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn như hiện nay”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, ngoài KBang, Đắk Pơ, một số hộ dân ở huyện biên giới Đức Cơ cũng bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do từ tháng 12/2019 đến trung tuần tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh không có mưa. Cộng với điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài nên mực nước tại các giếng đào, giếng khoan bị giảm sút.
“Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cấp bách các biện pháp để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện nay, tình trạng thiếu nước ở các địa phương cũng đã được khắc phục bằng việc sử dụng giếng đào ở các thôn, làng, kết hợp sửa chữa các công trình cấp nước, đảm bảo việc cấp nước, cố gắng không để người dân nào thiếu nước uống cũng như nước sinh hoạt. Chính quyền cũng tìm phương án vận chuyển nước từ những nơi khác đến để cung cấp, đảm bảo nước ăn uống và sinh hoạt cho người dân”, ông Có cho biết thêm.
Trên thực tế, các huyện, thị xã phía Đông, Đông Nam của tỉnh như Đắk Pơ, KBang, Kông Chro hay An Khê chịu ảnh hưởng của khí hậu duyên hải Nam Trung Bộ nên thời gian bước vào mùa mưa sẽ muộn hơn so với các địa phương khác. Cụ thể, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, Gia Lai sẽ bước vào mùa mưa trong khoảng nửa đầu tháng 5, song các huyện phía Đông và Đông Nam sẽ đón mùa mưa vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9.
“Từ nay đến thời điểm bước vào mùa mưa, các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh vẫn sẽ xuất hiện các trận mưa giông, giúp giảm hạn hán. Bà con cần chú ý các cơn mưa, có thể sử dụng các dụng cụ để lấy nước mưa sinh hoạt tạm thời. Ngoài các biện pháp khoan giếng và cấp nước cho bà con, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, khơi thông, tìm nguồn nước cho các công trình tự chảy để đưa nước về, phục vụ sinh hoạt cho người dân”, ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.