Sông Vạc là một con sông lớn chảy qua địa bàn huyện Kim Sơn với lượng thuyền bè lớn qua lại. Khoảng một tháng trở lại đây, người dân địa phương phát hiện đoạn đê hữu sông Vạc, thuộc địa phận xóm 4, xã Thượng Kiệm bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù đoạn đê này được kè cách đây hơn chục năm nhưng do lưu lượng dòng chảy kết hợp với nhiều yếu tố đã biến đoạn đê trở thành xung yếu. Sau một tháng, đoạn sạt lở đã có dấu hiệu kéo dài hơn, có những đoạn nứt gần đến mái đê khiến người dân và chính quyền hết sức lo lắng.
Ông Phạm Xuân Thu - nhân viên quản lý đê nhân dân xã Thượng Kiệm cho biết, qua công tác tuần tra, ngày 6/2, ông phát hiện đoạn đê bị sạt lở kéo dài khoảng 60 m từ cống Đồng Cói, xóm 4 về trở về phía hạ lưu, liền cấp báo cho UBND xã Thượng Kiệm. Đây là đoạn đê xung yếu đã được kè đá kiên cố nhưng do lưu lượng dòng chảy lớn, mực nước sát chân đê rất sâu nên không thể tránh khỏi tình trạng sạt lở, so với thời điểm ban đầu, đoạn sạt lở đã kéo dài hơn hàng chục mét.
Hiện đoạn đê này đã được chính quyền và người dân phát quang cây bụi nhằm dễ quan sát quá trình sạt lở để khắc phục. Theo quan sát của phóng viên, những đoạn kè chân đê bằng bê tông đã bị bong ra khỏi khối kết cấu, trượt xuống phía bờ sông, nhiều đoạn kè đá triền đê bị cuốn trôi; xuất hiện những đoạn sạt lở, nứt triền đê kéo dài lộ ra những hố rộng bình quân khoảng nửa mét, có những đoạn nứt rộng hơn 1 m gần sát với mặt đê, sâu từ 1 - 2 m, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông, đặc biệt vào buổi tối.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tiến Mạnh - Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm cho biết, xã Thượng Kiệm được giao quản lý gần 11 km đê hữu sông Vạc. Qua thống kê đo đạc, đoạn đê bị sạt lở được xác định từ km 20+608 đến km 20+693, dài 85 m. Đoạn đê bị sạt lở có xu hướng kéo dài hơn so với thời điểm mới phát hiện.
Ông Mạnh cho biết thêm, nếu đoạn đê này bị vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân xóm 3, xóm 4 xã Thượng Kiệm và nhiều khu phố của thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn.
Trước tình trạng đê bị sạt lở như hiện nay, các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện cùng các ngành chức năng đã về kiểm tra thực tế và triển khai biện pháp khắc phục.
Đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Thượng Kiệm đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng tiểu ban để thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên tuyến đê hữu Vạc; thông báo, cảnh báo cho toàn thể nhân dân nắm được tình hình, diễn biến sự cố sạt lở của tuyến đê; xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng triển khai xử lý sự cố sạt lở mái đê thuộc địa bàn quản lý.
Cụ thể, UBND xã Thượng Kiệm đã huy động lực lượng tại chỗ gồm 50 người cùng 500 cọc luồng; 1.500 bao tải đất; 2 máy đào đất; 4 ô tô tải cùng nhiều phương tiện, vật tư khác nhằm xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. UBND xã Thượng Kiệm cũng đã đề xuất với UBND huyện Kim Sơn chuẩn bị lượng đá hộc dự phòng tập kết gần khu vực có sự cố để xử lý khi cần thiết.
Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiểm tra, rà soát vật tư, phương tiện của huyện để sẵn sàng triển khai ứng cứu, xử lý sự cố đê hữu Vạc khi có lệnh; triển khai cắm biển cảnh báo, nghiêm cấm tất cả các loại phương tiện xe cơ giới đi qua đoạn đê bị sạt lở nguy hiểm trên tuyến đê hữu Vạc và bàn giao cho UBND xã Thượng Kiệm bảo vệ; đồng thời yêu cầu Hạt quản lý đê Kim Sơn phân cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến của sạt lở; tiến hành rà soát các vật tư trong kho để sẵn sàng chi viện ứng cứu khi có lệnh của Chủ tịch UBND huyện; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện triển khai các giải pháp để xử lý sự cố của tuyến đê hữu Vạc. UBND huyện Kim Sơn cũng giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Công an huyện sẵn sàng lực lượng tham gia ứng cứu để xử lý sự cố sạt lở tuyến đê hữu Vạc.
Công trình kè đê Hữu Vạc thuộc khu vực xóm 4, xã Thượng Kiệm được thực hiện và hoàn thành vào năm 2007. Qua hơn chục năm kè đê đã xảy ra sự cố kể trên khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng công trình. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình cần triển khai ngay các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, khắc phục sự cố sạt lở tuyến đê hữu Vạc, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.