Trong 3 năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố có sự gắn kết và hợp tác tốt hơn với chính quyền thành phố Đà Nẵng, hằng năm thực hiện từ 120.000 đến 150.000 sản phẩm thông tin - truyền thông về Đà Nẵng; đồng thời hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý, điều hành chung của thành phố và quảng bá hình ảnh, vị thế thành phố trong giai đoạn phát triển mới.
Bà Mai Thị Thu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong định hướng, xử lý và thông tin báo chí. Đồng thời, tuyên truyền trong hội viên, người làm báo trên địa bàn về Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 979/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương. Đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, quan trọng, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu các phương án, kế hoạch cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đề xuất hướng xử lý đối với các vi phạm cho Thường trực Thành ủy theo phương châm: nhanh, kịp thời, có trọng điểm, trọng tâm, giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Ban cũng sẽ tiếp tục định hướng thông tin tuyên truyền, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất các các chủ đề, chương trình truyền thông lớn của thành phố để triển khai chương trình đặt hàng với các cơ quan báo chí hợp tác thực hiện.
Từ năm 2018 đến nay, sau khi thực hiện Quyết định số 10111-QĐ/TU, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã được chú trọng đi vào chiều sâu; chủ động rà soát, tham mưu ban hành các văn bản về công tác quản lý báo chí trên địa bàn thành phố, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động báo chí, đáp ứng được yêu cầu mới phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về báo chí. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác báo chí ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí ngày càng đi vào nền nếp. Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố có sự gắn kết và hợp tác tốt hơn với chính quyền thành phố.
Bên cạnh đó, theo bà Mai Thị Thu, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác theo dõi, tham mưu, định hướng công tác báo chí đối với một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp đôi lúc, đôi khi còn bị động, lúng túng. Một số sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và thiếu quan tâm kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí. Vai trò của Hội Nhà báo tham gia xử lý khủng hoảng truyền thông còn mờ nhạt, chưa phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Qua các báo cáo, tham luận, có thể thấy công tác định hướng, chủ động thông tin cho báo chí về những sự việc nhạy cảm, những vấn đề nóng của thành phố thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật là về chủ đề chống dịch COVID-19 đã có hơn 15.000 tin bài của các cơ quan báo chí tuyên truyền cho thành phố. Tổ báo chí thành phố đã chủ động cung cấp hơn 2.000 thông tin cho báo chí, phản hồi hơn 1.000 thông tin báo chí phản ánh.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã thông tin, góp phần cổ vũ, khơi dậy niềm tin, tạo động lực thi đua trong các tầng lớp nhân dân để thành phố phát triển hơn trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp, hợp tác với các cơ quan báo chí để công tác thông tin được kịp thời, xuyên suốt hơn. Đặc biệt, cần tăng cường công tác đấu tranh, xử lý các sai phạm trên không gian mạng, các trang thông tin điện tử kịp thời, đủ sức răn đe. Các cơ quan, ban ngành toàn thành phố cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý báo chí và cung cấp thông tin báo chí, hết sức chú ý tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền định hướng phát triển của thành phố.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các cơ quan báo chí trên địa bàn Đà Nẵng tiếp tục tăng cường phối hợp, phát huy tích cực vai trò, nhiệm vụ tuyên truyền, xung kích trên mặt trận thông tin của báo chí; quan tâm tuyên truyền các nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Các cơ quan truyền thông tiếp tục có những tin, bài cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần, khát vọng của toàn dân để phục hồi, phát triển thành phố sau dịch COVID-19. Đồng thời, các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng quy định.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký kết Chương trình phối hợp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm theo tinh thần Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 30/3/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, hiện nay thành phố có 4 cơ quan báo chí địa phương, 107 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động tại Đà Nẵng. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố khoảng trên 800 người. Sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa thông tin với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, thông tin báo chí và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và quản lý báo chí cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.