Sau thời gian sử dụng, hệ thống này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp công tác giám sát và cảnh báo kịp thời cho người dân.
Theo thống kê, trong các đợt mưa lớn tháng 10, 11/2023, hệ thống này đã nhận được 220 lượt gửi mức ngập. Đặc biệt, đợt mưa lớn gần nhất từ ngày 18 - 19/9/2024 do cơn bão số 4 gây nên, hệ thống ghi nhận hơn 5.000 lượt truy cập và gần 60 điểm ngập được cập nhật. Các thông tin mức ngập gửi về (gồm địa chỉ, mức ngập, hình ảnh...) phản ánh thực tế vị trí ngập, góp phần cung cấp thông tin chính xác đến với cộng đồng, giúp người dân hạn chế di chuyển vào khu vực ngập úng tránh gây thiệt hại tài sản… Các thông tin được cập nhật thường xuyên, kịp thời trên Hệ thống theo dõi, giám sát phục vụ phòng tránh thiên tai, mưa, ngập và ứng dụng Danang Smart City để người dân nắm bắt và có các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão.
Ông Phan Hữu Can, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng cho hay, hệ thống này cung cấp 5 bài toán giám sát, điều hành (số liệu đo mưa theo thời gian thực, mức ngập, tình trạng kết nối trạm bơm chống ngập, nhà sơ tán, biểu đồ phổ mưa theo thời gian) và 4 bài toán phân tích, cảnh báo (lượng mưa vượt ngưỡng, khi có mức ngập vượt ngưỡng, khi có thông tin SOS, mức ngập tại các trạm đo tự động vượt ngưỡng - 4 trạm đo).
Theo ông Phan Hữu Can, thông qua việc xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân, cộng đồng gửi lên, các điểm ngập sẽ được tổng hợp và theo dõi để báo cáo lãnh đạo các cấp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; tiếp nhận các yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn để chủ động hỗ trợ. Các điểm ngập được phê duyệt từ quản trị viên được chia sẻ trực tiếp cho người dân thông qua các kênh truyền thông như facebook, zalo...
Ngoài việc cung cấp thông tin cho các ban ngành, lãnh đạo thành phố, hệ thống này cũng hỗ trợ thông tin kịp thời cho người dân. Cụ thể, thông tin ghi nhận từ hệ thống sẽ được chia sẻ lên app Danang Smart City, được tuyên truyền qua fanpage Tổng đài 1022… để người dân biết và chủ động ứng phó. Điển hình như trong các đợt mưa lớn tháng 10, 11/2023, hệ thống nhắn SMS gửi đến cán bộ phường, tổ trưởng, bí thư chi bộ khu dân cư để nắm thông tin, ứng phó kịp thời tại các vị trí có trạm đo ngập tự động khi mức ngập vượt ngưỡng.
Theo Sở thông tin và Truyền Thông thành phố Đà Nẵng, Hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn Thành phố có vai trò theo dõi lượng mưa (theo thời gian thực) tại 44 khu vực điểm tại thành phố; có so sánh với lượng mưa cao điểm vào ngày 14/10/2022 (trên bản đồ và biểu đồ). Hệ thống theo dõi mức ngập nước (hiện tại) tại các vị trí, tuyến đường chính; xem thông tin mức ngập nước cao điểm tại 279 vị trí (có tọa độ cụ thể) vào ngày 14/10/2022; tìm kiếm, xem thông tin, vị trí nhà trú bão, lũ gần vị trí tìm kiếm; xem thông tin các khu vực sạt lở đất, đá và có nguy cơ sạt, lở đất đá trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, hệ thống cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn để cung cấp cho chính quyền và công khai cho người khác biết; gửi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp đến cơ quan chức xử lý trong lúc mưa, lũ, bão...
Hệ thống cũng cung cấp thông tin trên qua thống kê, báo cáo, trên bản đồ và biểu đồ cho UBND các cấp, cơ quan chức năng và về Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh để phục vụ chỉ đạo, điều hành khi có mưa, bão, lũ...
Người dân có thể Mở kho ứng dụng App Store (iOS) hoặc Google Play (Android), gõ tìm ứng dụng “Danang Smart City” và chọn cài đặt ứng dụng về máy. Sau khi cài ứng dụng, người sử dụng truy cập vào mục “Phòng chống thiên tai”, tiếp tục “Truy cập ứng dụng Mức mưa, ngập nước”; theo dõi thông tin lượng mưa bấm vào nút “Lượng mưa” để xem chi tiết dữ liệu đo mưa tại 31 trạm trên địa bàn thành phố; theo dõi địa điểm ngập nước bấm vào nút “Ngập nước” để xem chi tiết dữ liệu ngập. Dữ liệu này có thể do người dân tự gửi lên hoặc do cán bộ phòng, chống thiên tai, cán bộ vận hành ứng dụng nhập lên...