Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020. Tuy tăng trưởng dương nhưng Đà Nẵng lại là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là Thừa Thiên Huế tăng 4,36%; Quảng Nam tăng 5,04%; Quảng Ngãi tăng 6,05% và Bình Định tăng 4,11%.
Với tốc độ tăng trưởng 0,18% năm 2021, Đà Nẵng thuộc nhóm 54 địa phương có mức tăng trưởng dương; xét trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng xếp sau Hà Nội, Hải Phòng về mức tăng trưởng. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi khá tốt, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 giảm 4,4% so với cùng kỳ, gần như bị đóng băng trong quý III do thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống COVID-19.
Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong mức tăng 0,18% toàn nền kinh tế thành phố, duy nhất khu vực dịch vụ tăng 1,24%, là trụ đỡ cho cả 3 khu vực kinh tế. Còn lại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp - xây dựng; thuế sản phẩm đều giảm khiến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Đà Nẵng có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở vị trí cao nhất so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ở vị trí thứ 4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng tính theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 87,87 triệu đồng, tương đương 3.753 USD.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu ngân sách nhà nước năm 2021 của Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng, tiếp tục xảy ra tình trạng bội chi ngân sách. Cụ thể, thu ngân sách chỉ đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8% so với năm 2020, trong khi đó tổng chi ngân sách hơn 26 nghìn 800 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, chi thường xuyên ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, các nhu cầu về an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Năm 2021, thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội khiến thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giảm sâu, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến 15/12, thành phố Đà Nẵng chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm hơn 53% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ có một số dự án có vốn đầu tư lớn đã kéo tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 16% so với năm 2020. Ngược lại, thu hút đầu tư trong nước tăng về số dự án nhưng tổng vốn đầu tư lại giảm hơn một nửa so với năm 2020 cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 đến quy mô kinh tế toàn thành phố Đà Nẵng.
Về hoạt động xuất, nhập khẩu, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2021 liên tục duy trì đà tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.183 triệu USD, tăng 13,2% so với năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 487 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay, độ mở nền kinh tế Đà Nẵng năm 2021 là 70,9%.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Để đạt được những mục tiêu này, Đà Nẵng cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong năm tới.
Cụ thể, theo ông Trần Văn Vũ, trước tiên vẫn cần tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, làm cơ sở để phục hồi và phát triển trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thành phố cũng cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, công nghệ; rà soát kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới...