Tại kỳ họp này, các đại biểu tập trung xem xét, cho ý kiến khoảng 120 tài liệu; thông qua 19 Nghị quyết quan trọng. Trong đó các nội dung chính là xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố 6 tháng đầu năm 2021, thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; chú trọng thảo luận và bàn sâu về công tác phòng, chống dịch COVID-19; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Một số nghị quyết, tờ trình đáng chú ý đã được thông qua như: Nghị quyết quy định chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19; hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B...
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhận định các đại biểu đã tập trung nghiên cứu sâu, thảo luận tích cực, cho ý kiến cụ thể để thống nhất, thông qua các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và các nhiệm vụ đến cuối năm 2021. Trong đó, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh; cho ý kiến về kế hoạch, giải pháp, nguồn lực về đầu tư công trong 5 năm tới; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, kiến nghị của cử tri trong thời gian qua.
Chỉ đạo tại Kỳ họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định: Thành phố Đà Nẵng đang ở thời điểm khó khăn so với cùng kỳ năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khó đạt được như dự kiến. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, từ ngày 10/7 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 1470 ca mắc, với 13 người tử vong do COVID-19. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố rất mong đợi và kỳ vọng HĐND và UBND thành phố sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết định những chủ trương, giải pháp đúng đắn, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đưa thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển bền vững.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu rõ: Nếu trong vòng 4 ngày nữa, việc thực hiện các biện pháp như hiện nay mà tình hình dịch bệnh không giảm thì từ ngày 16/8, thành phố phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc “Ai ở đâu thì ở đó”, tức là người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà. Các công sở, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phải ở tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày để tiến hành xét nghiệm toàn thành phố, nhằm phát hiện và đưa các trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng. Đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hi vọng không phải áp dụng. Nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích để thực hiện và khi áp dụng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là việc cung ứng, đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố.
Về vấn đề này, sau khi thảo luận, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất giao UBND thành phố chủ động đề xuất, báo cáo Thường trực HĐND thành phố quyết định một số biện pháp, chính sách theo thẩm quyền của HĐND thành phố trước khi triển khai thực hiện và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. HĐND thành phố cũng thống nhất chủ trương trong trường hợp số ca nhiễm không giảm và có dấu hiệu gia tăng thì cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn so với các biện pháp hiện hành, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “Ai ở đâu ở yên đấy” trong một thời gian, phục vụ cho việc truy vết F0, xác định chính xác mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng phương xã, thôn, tổ dân phố, từ đó có phương pháp quản lý xã hội phù hợp với từng vùng, từng mức độ nguy cơ.
Bên cạnh đó, đến nay, còn 166 ý kiến, kiến nghị của cử tri tồn đọng qua các kỳ họp của khóa trước, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo có lộ trình, cam kết thời gian để xử lý dứt điểm, nhất là những vấn đề: Xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư; thu gom, xử lý rác thải, nước thải; quy hoạch treo, các dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống dân sinh; bãi đỗ xe; xử lý tình trạng nuôi cá lồng bè trên các sông, vịnh; xử lý chung cư xuống cấp...