Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Định hướng đến năm 2030, thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ... trở thành một đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh.
Để thực hiện những mục tiêu đó, thành phố xác định hội nhập, kết nối với khu vực và thế giới là một trong những cách hiệu quả để đưa địa phương phát triển nhanh, mạnh. Xác định Nhật Bản chính là một trong những thị trường tiềm năng, là nơi đáp ứng đầy đủ những nguồn lực tăng trưởng mà Đà Nẵng cần, lãnh đạo thành phố luôn ủng hộ, mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Theo Phó Chủ tịch thành phố, đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản, gồm: Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu; ngoài ra còn có quan hệ hợp tác với 20 tỉnh, thành phố khác. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn thành phố với hơn 1,14 tỷ USD cho 261 dự án. Hầu hết các dự án hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Nhật ước đạt 650 triệu USD, nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 350 triệu USD. Trong lĩnh vực du lịch, lượng du khách Nhật đến Đà Nẵng ngày càng tăng (từ năm 2011 đến 2019 tăng xấp xỉ 22 lần). Năm 2023, khách du lịch Nhật Bản nằm trong tốp 10 thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Ngoài ra, dấu ấn Nhật Bản cũng in đậm trong các lĩnh vực giáo dục, viện trợ phi chính phủ, lao động, văn hóa… tại thành phố Đà Nẵng với nhiều kết quả tích cực.
Hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng - Nhật Bản được tổ chức nhằm kết nối hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch và bán dẫn, xúc tiến hợp tác nguồn nhân lực giữa Đà Nẵng và các đối tác Nhật Bản. “Đây là những lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay; đồng thời cũng là lĩnh vực thế mạnh, đầy tiềm năng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định.
Tại Hội nghị, ông Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, năm 2023, mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. “Năm 2024 đánh dấu năm đầu tiên trong chặng đường 50 năm tiếp theo của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải cụ thể hóa các hoạt động hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Với ý nghĩa đó, chủ đề của sự kiện ngày hôm nay rất phù hợp và mang tính thời sự” - ông Ito Naoki nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nhật Bản, về mặt kinh tế, nhiều nước đang quan tâm đến Việt Nam với thành tích duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội trong bối cảnh có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự kiện hôm nay có sự tham dự của nhiều công ty Nhật Bản. Tại Đà Nẵng đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 254 dự án với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD.
Ông Ito Naoki nêu rõ, Chính phủ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ tích cực các hoạt động của chương trình “Sáng kiến chung Nhật - Việt” - một khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ hai nước và các doanh nghiệp đã được khởi động vào tháng 3/2024 với các nội dung là mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin cũng như phát triển nguồn nhân lực kỹ năng cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, môi trường, chính sách đầu tư của thành phố và xúc tiến kết nối hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, điện tử, vi mạch bán dẫn và nguồn nhân lực...