Trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội.
Theo đó, về tên gọi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết thành: “Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An”.
Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định tại dự thảo Nghị quyết theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn của tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác.
Đối với chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai khoáng… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An, có ý kiến đề nghị quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng đầu tư trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An. Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn và cũng là địa bàn quan trọng của tỉnh, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh; trong khi đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rất cần tập trung hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương. Do vậy, việc đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm này là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực cho địa bàn thực sự khó khăn, quy định thể hiện như tại dự thảo Nghị quyết là phù hợp.
Về tổ chức thực hiện, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2027; tổng kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2029”.
Về điều khoản thi hành, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng và xin tiếp thu bổ sung thời gian hiệu lực của dự thảo Nghị quyết là 5 năm tương tự các Nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành và đã thể hiện lại tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo Nghị quyết.
Với 453/461 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
* Tiếp đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Về phạm vi của Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng chính sách cần bảo đảm thận trọng, chỉ quy định những nội dung “đã chín, đã rõ”, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phạm vi chính sách thể hiện như dự thảo Nghị quyết là phù hợp.
Đối với việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và của cả vùng. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, Nghị quyết mang tính chất thí điểm; các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy, cần thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao. Hơn nữa, các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của thành phố Đà Nẵng. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ phạm vi chính sách như dự thảo Nghị quyết.
Về đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia thử nghiệm có kiểm soát, cần thiết phải có quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát, bảo đảm tính khả thi thực hiện chính sách về thử nghiệm có kiểm soát trong thực tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính cụ thể, hợp lý và quyền lợi cho tổ chức, cá nhân khác khi bị thiệt hại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung tại khoản 5 Điều 14 theo hướng quy định rõ chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong thử nghiệm có kiểm soát khi xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước do nguyên nhân khách quan và khi đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về thử nghiệm. Đối với thiệt hại, rủi ro gây ra cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí bồi thường từ ngân sách thành phố trên cơ sở tính chất, mức độ thiệt hại, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Đối với việc bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, thể hiện cụ thể trong dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Với 452/459 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng gồm 4 chương, 18 điều.
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.