Một số ngành duy trì mức tăng cao, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế thành phố, tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.
Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng ước tăng 6,47%, cao hơn mức tăng 3,94% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,79%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,03%; khu vực dịch vụ tăng 6,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,51%...
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 9 tháng ước đạt hơn 111.589 tỷ đồng, mở rộng hơn 11.726 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 9 tháng nằm ở vị trí 17/63 địa phương và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo ông Trần Văn Vũ, khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của Đà Nẵng. Đặc biệt, trong 9 tháng qua, một số ngành có mức tăng trưởng cao như: hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 16,15%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,49%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,5%... Trừ ngành kinh doanh bất động sản thì các ngành còn lại đều duy trì mức tăng trưởng dương.
Hoạt động du lịch của Đà Nẵng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là điểm sáng trong phát triển kinh tế thành phố. Trong 9 tháng năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc như: Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á; Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2024…
Nhiều khu, điểm du lịch tại Đà Nẵng cũng đã cung cấp các sản phẩm mới, dịch vụ chất lượng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như: biểu diễn Flyboards kết hợp với âm nhạc, pháo hoa; các show tạp kỹ hoành tráng; hoạt động nghệ thuật đường phố hai bên bờ sông Hàn…
Nhờ vậy, tính chung 9 tháng năm 2024, tổng số khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 8,7 triệu lượt (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 20.602 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ); doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đạt hơn 5.765 tỷ đồng (tăng 42,5% so với cùng kỳ)…
Hiện nay, khách quốc tế đến du lịch Đà Nẵng chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á, Hoa Kỳ… Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kết hợp tăng cường các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Australia, Mỹ và Bắc Âu…
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ cũng đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm để thành phố Đà Nẵng ổn định và duy trì đà phát triển kinh tế - xã hội như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh; hướng dẫn, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp; cải thiện chất lượng các dịch vụ công…
Đồng thời, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đây là một chiến lược dài hạn; có chính sách hộ trợ việc làm trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ, đảm bảo người lao động có cơ hội tiếp cận với các công việc có thu nhập tốt và ổn định, nhằm giữ chân nhân tài…