Người dân tin tưởng vào các biện pháp của chính quyền
Sau 6 ngày cho phép người dân tắm biển và hoạt động thể thao ngoài trời, đến trưa 15/7, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục cấm các hoạt động này nhằm siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau khi phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng. Đây là việc làm cần thiết nhằm hạn chế mức độ lây lan của dịch bệnh, tránh các rủi ro phát sinh từ những hoạt động này.
Khi chưa có dịch COVID-19, anh Vũ Thìn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thường xuyên đưa hai con trai đi tắm biển mỗi buổi sáng. Từ ngày có dịch, anh phải xem thông tin trên các báo, đài về các quy định và chỉ đưa các con đi tắm biển vào những ngày được phép. Khi đi tắm biển, anh nhắc nhở các con luôn tuân thủ quy định 5K và tắm theo đúng khung giờ quy định.
“Với cá nhân tôi, dù rất thích các hoạt động bơi lội và thể thao dưới biển, nhưng tôi nghĩ việc cấm tắm biển là cần thiết, nhất là trong khoảng thời gian có những ca COVID-19 trong cộng đồng. Mọi người khi tham gia bơi lội, luyện tập trên biển và chơi thể thao ngoài trời sẽ khó có thể giữ khoảng cách an toàn, đồng thời cũng khó truy vết nếu phát hiện ca COVID-19 đi tắm biển”, anh Vũ Thìn cho biết.
Tại gia đình chị Trần Thị Kim Dung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), việc chấp hành các quy định, “sống chung với dịch” đã dần hình thành những thói quen mới cho cả nhà. Vào những ngày thành phố siết chặt việc hạn chế ra đường, vợ chồng chị chỉ đi làm và ở nhà chơi với con. Khi thành phố nới lỏng các quy định, cả nhà lựa chọn hình thức vận động là đạp xe quanh khu dân cư, tuân thủ 5K và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Chị Kim Dung chia sẻ: Trong lúc vaccine chưa phổ biến như hiện nay, việc nâng cao cảnh giác, chấp hành tốt các quy định phòng dịch để bảo vệ chính bản thân và gia đình là việc cần thiết. Khi thành phố cấm tắm biển và hoạt động thể thao ngoài trời, tôi tập yoga tại nhà và rủ người quen cùng tập online với nhau. Tôi dành nhiều thời gian hơn để vui chơi với con gái và nấu những bữa cơm gia đình ấm cúng. Theo tôi, mỗi người dân nên tự có ý thức, giảm các hoạt động không thực sự cần thiết để hạn chế tối đa việc lây lan của dịch bệnh.
Đối với chính sách hỗ trợ đưa người Đà Nẵng đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh trở về quê hương, chị Kim Dung cho rằng đây là hành động mang tính nhân văn đối với các đồng hương tại tâm dịch và cũng là sự chia sẻ, hỗ trợ gánh nặng quá tải của TP Hồ Chí Minh giai đoạn này. Tuy nhiên, chính quyền thành phố phải lên kế hoạch bài bản, đánh giá khách quan, trung thực năng lực tiếp nhận hiện tại của thành phố để kịp thời xử lý những vấn đề có thể xảy ra trong công tác kiểm soát các khu cách ly, công tác xét nghiệm, giám sát cộng đồng sau đợt cách ly tập trung... Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần truyền thông rõ ràng, kịp thời về các kế hoạch trên để người dân thành phố yên tâm về việc này.
Đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất
Từ chiều 14/7, sau khi phát hiện có một công nhân mắc COVID-19, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đã phối hợp với lực lượng chức năng thành phố triển khai nhiều biện pháp chống dịch như: xét nghiệm toàn bộ hơn 4.000 công nhân, truy vết các trường hợp F1 và đưa đi cách ly tập trung, xây dựng các phương án hoạt động trong điều kiện chống dịch thực tế...
Anh Ngô Đức Lâm đã có 9 năm làm công nhân tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng. Từ 2 năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người bạn của anh làm các ngành nghề khác đã bị mất việc, anh vẫn có công việc ổn định tại đây, với mức thu nhập khoảng 10 triệu/tháng. Dù công ty đã phát hiện trường hợp mắc COVID-19 nhưng anh Lâm vẫn rất tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch mà công ty đã thực hiện theo hướng dẫn của thành phố.
Anh Lâm cho biết: Sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, công ty đã tạm dừng để cho tất cả các công nhân lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Các trường hợp F1 làm cùng phân xưởng đã được đưa đi cách ly tập trung. Anh và các công nhân khác được hướng dẫn về tự cách ly tại nhà, không ra ngoài, không tiếp xúc với người khác trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Anh đã nhắn với vợ con, chuẩn bị sẵn tinh thần, nếu được điều động sẽ đến công ty làm việc, ăn, ngủ tại chỗ để đảm bảo hoạt động sản xuất chung.
Chị Phan Thị Hạnh là một công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, hiện đang thuê trọ gần khu công nghiệp. Khi nghe thông tin khu công nghiệp có ca mắc COVID-19, chị thấy lo lắng nhưng vẫn đi làm bình thường và tuân thủ chặt các biện pháp 5K. Theo chị Hạnh, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, có một công việc ổn định là điều đáng quý.
“Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng mình cũng phần nào yên tâm với các phương án phòng, chống dịch của công ty và thành phố. Từ năm ngoái, các công nhân vẫn phải tuân thủ chặt các quy định của công ty như: chỉ làm việc tại xưởng của mình, không đi vào các khu vực khác, tuân thủ giãn cách trong nhà để xe, nhà ăn và không tiếp xúc gần với các đồng nghiệp tại công ty...” - chị Hạnh nói.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp thành phố Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có tổng cộng hơn 69.000 lao động đang sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, với thu nhập bình quân 6,15 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2020, Ban Quản lý đã tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, hiện 100% các doanh nghiệp đã triển khai Tổ giám sát COVID-19 cộng đồng, triển khai thực hiện khai báo y tế và ký cam kết phòng, chống dịch COVID-19. Ban quản lý yêu cầu các doanh nghiệp triển khai chủ trương chuẩn bị sẵn sàng cho phương án “3 tại chỗ”, tổ chức cho công nhân ăn, ở và làm việc tại công ty. Theo ông Sơn, đây là cách làm rất phù hợp, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh dịch phức tạp nhưng vẫn phải hoàn thành “mục tiêu kép”: vừa thực hiện sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, an toàn về tính mạng, an ninh trật tự và thu nhập đời sống việc làm ổn định cho công nhân.