Ứng phó với bão Noru: Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 20 giờ ngày 27/9

Sáng 27/9, Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 4 (bão Noru) đã họp bàn công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ.

Chú thích ảnh
Người dân Đà Nẵng khẩn trương gia cố cửa ngõ để ứng phó với bão số 4. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy lưu ý: Để đảm bảo an toàn, đến 20 giờ ngày 27/9 yêu cầu tất cả người dân không được ra khỏi nhà (trừ lực lượng làm nhiệm vụ).

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Đà Nẵng đã chỉ đạo cụ thể về phương án ứng phó với bão số 4; đề nghị các quận, huyện hoàn thành công tác chuẩn bị trước 14 giờ ngày 27/9. Các xã, phường, quận, huyện kiểm tra các lán trại công nhân, hạ hết tường rào tôn quanh các công trình.

Sở Y tế cần sẵn sàng các phương án, phương tiện cấp cứu; cung cấp số điện thoại nóng của từng cơ sở y tế để hỗ trợ người dân. Lực lượng chức năng kiểm tra phòng, chống cháy nổ tại khu vực âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và các bến tàu; kiên quyết đưa tất cả thuyền viên lên bờ trước khi bão đổ bộ.

Theo thống kê, còn khoảng 11.000 du khách quốc tế và 7.000 du khách trong nước đang lưu trú tại thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Du lịch yêu cầu các cơ sở lưu trú thông báo và đảm bảo an toàn cho du khách khi bão đổ bộ.

Trong sáng 27/9, nhiều tàu, thuyền các tỉnh tiếp tục về neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) với hơn 600 thuyền viên (theo thống kê ban đầu). Ông Lê Trung Chinh lưu ý, UBND quận Sơn Trà bố trí nhu yếu phẩm, nơi tránh trú bão an toàn trên bờ cho tất cả thuyền viên này.

Trước đó, UBND thành phố đã có thông báo chỉ đạo tạm dừng họp chợ; cho cán bộ, công nhân, người lao động nghỉ làm từ 12 giờ ngày 27/9 để tập trung phòng, chống bão số 4. Khi gió đạt cấp 7 (tương ứng vận tốc từ 13,9 đến 17,1 m/s), lực lượng chức năng sẽ cấm tất cả phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm các loại phương tiện này.

Khi gió đạt cấp 10 (tương ứng vận tốc từ 24,5 đến 28,4 m/s), lực lượng chức năng sẽ tiến hành phong tỏa, cấm các loại phương tiện qua các cầu: Thuận Phước, Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế. Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, lực lượng chức năng sẽ cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến 5 giờ ngày 27/9, tổng số tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, âu thuyền là 1.228 phương tiện; còn 2 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển với 24 lao động (đã được thông báo và đang di chuyển để tránh trú bão).

Căn cứ bản tin dự báo, UBND các quận, huyện của Đà Nẵng dự kiến tiến hành sơ tán 80.801 người (sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép 54.932 người). Sở Công thương thành phố đã lập phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho nhân dân với dự kiến 32.248 hộ dân, mức hỗ trợ 5.000 đồng/hộ (4 mặt hàng dùng trong 3 ngày); kinh phí dự kiến là 12,42 tỷ đồng.

Quốc Dũng (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ

Sáng sớm 27/9, trước diễn biến khó lường của bão số 4 (bão Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN