Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo tiền phương.
Ban Chỉ đạo tiền phương làm việc tại trụ sở UBND phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 một cách hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu các thiệt hại do bão gây ra.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn, các sở, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu toàn tỉnh dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung cho công tác ứng phó với bão số 4; kích hoạt phương án ứng phó thiên tai cấp độ 4. Hoài Nhơn hiện là địa phương có nhiều tàu cá trong vùng nguy hiểm, do vậy chính quyền các cấp của thị xã phải khẩn trương thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các nơi an toàn.
Lãnh đạo Bình Định đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát phương án di dời dân, phải có phương án cụ thể cho trường hợp thiên tai ở cấp độ 4 và rà soát toàn bộ nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao để tiến hành phương án di dời phù hợp. Các địa phương phải chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong tình hình bị chia cắt; kích hoạt hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền liên tục, đưa thông tin về cơn bão số 4. Từ 6 giờ ngày 26/9, Bình Định chính thức cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt.
Trong ngày 26/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm tới công tác ứng phó bão số 4 ở vùng ven biển và trên các công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông như: công trường xây dựng Đập dâng Phú Phong, công trường thi công tuyến đường ven biển, đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, Cảng cá Quy Nhơn…
Tại các điểm đến, Bí thư tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã kiểm tra kết quả thực hiện công tác phòng, chống bão trên các công trường, nhất là khu vực giữa sông, khu vực có nguy cơ cao; kiểm tra tình hình kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ngư dân Bình Định trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng bão số 4; cũng như sắp xếp tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão tại các khu neo đậu.
Cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, phối hợp với các địa phương để chủ động công tác ứng phó với bão số 4; đồng thời phát Công điện 07/CĐ-PCTT yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện các công việc khẩn cấp ứng phó với bão số 4.
Theo đó, các địa phương, đơn vị rà soát, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, kích hoạt phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 đã được phê duyệt; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại các bến neo đậu, tránh trú; tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ; hướng dẫn cho tàu vận tải biển đang neo đậu tại cảng Quy Nhơn và đi qua khu vực Bình Định khẩn trương di chuyển vào vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên để tránh trú bão.
Các địa phương, cơ quan chức năng rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo; kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lớn và mưa hoàn lưu sau bão, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh; rà soát phương án sơ tán dân, triển khai sơ tán dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, ưu tiên sơ tán tại chỗ đến các nhà kiên cố trong khu vực và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế, bảo đảm an ninh tại các nơi sơ tán đến; không để cho người dân ở lại trong các nhà đơn sơ, thiếu kiên cố; chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng… và các công trình công cộng, đặc biệt lưu ý đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng, các khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư, thoát nước chống ngập úng đô thị.
Các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo để cấm các phương tiện giao thông đường bộ và người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra. Lực lượng xung kích phải có mặt tại các nơi xung yếu, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố; rà soát các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét và triển khai lực lượng ứng phó.
Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Các lực lượng vũ trang, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ khi có lệnh cấm đường.